Đại biểu: 'Tiền đã đóng vào giờ không cho họ hưởng, đó là điều bất hợp lý'

Đại biểu đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Sáng 27-11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Nêu ý kiến, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững; xu hướng phát triển kinh tế- xã hội phù hợp với hội nhập quốc tế…

Góp ý một số nội dung, đại biểu Điểu Huỳnh Sang băn khoăn về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo bà Sang, trong trường hợp nếu người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, các vụ việc này có thể kéo dài vài năm.

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.

 Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước). Ảnh: QH

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước). Ảnh: QH

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Điều Huỳnh Sang cho biết mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Đại biểu cho rằng mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, bà đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Về quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nữ đại biểu đoàn Bình Phước cho biết tại khoản 2 Điều 95 quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 tháng đến đóng đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét có thể bỏ quy định ‘nhưng tối đa không quá 12 tháng’ vì theo nguyên tắc là ‘có đóng có hưởng, đóng đến đâu hưởng đến đó và không giới hạn’ để tương thích với khoản 1 điều 46 của Bộ luật Lao động năm 2019 về trợ cấp thôi việc.

Cùng góp ý về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng quy định như dự thảo là bất công với những người vi phạm pháp luật bị đuổi việc hoặc bị sa thải… khi những người này đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: QH

“Tiền người ta đã đóng vào giờ không cho họ hưởng, đó là điều bất hợp lý. Tôi đề nghị có đóng là có hưởng” - đại biểu đề nghị.

Đối với quy định tại Điều 10 về những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thấp hơn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như vậy là không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác.

Theo đại biểu, hộ cận nghèo hiện nay đi xuất khẩu lao động nước ngoài ‘đếm trên đầu ngón tay’. Lý do vì không có tiền để đi xuất khẩu. Ông Hòa đề nghị nên quy định tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-tien-da-dong-vao-gio-khong-cho-ho-huong-do-la-dieu-bat-hop-ly-post821881.html
Zalo