Các phương án tăng thuế với bia tác động ra sao?
Theo báo cáo nghiên cứu, giá trị tăng thêm của nền kinh tế lẫn GDP có thể thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng nếu mặt hàng bia bị đánh thuế quá 'sốc'.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam vừa phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia”. Đây là báo cáo đầu tiên định lượng toàn diện về ngành bia trước các phương án tăng thuế TTĐB trong thời gian tới.
Hiện dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được điều chỉnh tăng thuế suất đối với mặt hàng bia dựa trên 2 phương án.
Với phương án 1, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng thuế từ năm 2026 theo từng năm, mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất TTĐB đối với bia là 90%.
Ở phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất đối với bia là 100%.
Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo trình bày việc tăng thuế nhằm hướng đến các mục tiêu gồm giảm tỷ lệ sử dụng bia, phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách Nhà nước.
Hồi tháng 7, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cũng gửi góp ý tới Bộ trưởng Bộ Tài chính về dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Trong đó, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, sau đó tăng thuế ở mức 5% với lộ trình tăng 2 năm một lần, đến năm 2031 đạt mức thuế suất 80% (phương án 3).
21 ngành sản xuất bị liên lụy
Theo báo cáo này, cả 3 phương án đều ảnh hưởng làm suy giảm giá trị tăng thêm (VA) của ngành bia. Trong đó, sau khi kết thúc lộ trình áp thuế, giá trị tăng thêm của ngành bia có thể giảm 44.359 tỷ đồng ở phương án 1 và 61.899 tỷ đồng ở phương án 2.
So với kịch bản tăng trưởng GDP mục tiêu (6,5%) trong điều kiện bình thường, việc tăng thuế TTĐB với bia cũng gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng thuế sẽ thu hẹp hoạt động sản xuất của ngành bia và lan tỏa đến 21 ngành khác trong nền kinh tế, dẫn tới tổng giá trị tăng thêm (GVA) của toàn nền kinh tế giảm.
Kết quả tính toán cũng cho thấy phương án có mức độ tăng thu ngân sách từ thuế gián thu cao thì mức độ giảm thu ngân sách từ thuế trực thu lớn và ngược lại.
Chu kỳ sản xuất của ngành bia là chu kỳ ngắn hạn nên nguồn thu từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Ở các chu kỳ sản xuất sau (trong trung và dài hạn), việc sản xuất của ngành bia và 21 ngành trong quan hệ liên ngành thu hẹp có thể dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm.
“Vì thế, mục tiêu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia để tăng ngân sách sẽ không đạt được về trung và dài hạn”, báo cáo nêu rõ.
Tăng thuế TTĐB với bia sẽ giúp thuế gián thu được bổ sung thêm. Tuy nhiên, sự suy yếu của ngành này sẽ lan tỏa mạnh đến hoạt động sản xuất của các ngành khác và tạo hiệu ứng dây chuyền. Do vậy, GVA của toàn nền kinh tế có thể giảm nhiều hơn đáng kể mức tăng thuế gián thu.
Mặt khác, việc sản xuất giảm dẫn tới khấu hao tài sản cố định giảm, kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Điều này dẫn tới nguồn thu ngân sách từ thuế trực thu giảm.
Vì thế, nguồn thu ngân sách trong cả 2 phương án đều không bù đắp được mức độ sụt giảm về VA của ngành bia và càng không bù đắp được mức độ sụt giảm GVA của nền kinh tế.
Cân nhắc phương án 3
Tại báo cáo vừa công bố, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn phương án 3 theo lộ trình mà VBA đưa ra.
Giải trình lý do, các chuyên gia cho biết phương án 3 đạt được sự hài hòa hơn về các mục tiêu. Không chỉ tác động tới nền kinh tế ở mức nhẹ hơn so với 2 phương án của cơ quan soạn thảo, phương án 3 còn đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách để doanh nghiệp thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, an sinh xã hội.
Trong khi phương án 1 dẫn tới thiệt hại chung của nền kinh tế là 10.909 tỷ đồng còn phương án 2 là 14.605 tỷ đồng, phương án 3 chỉ làm giảm 7.053 tỷ đồng. Xét về hiệu quả kinh tế, phương án 3 ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức thấp nhất.
Kết quả tính toán cũng cho thấy phương án 3 làm giảm tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất, khoảng 8.590 tỷ đồng, tương đương giảm 0,0172%.
Nhóm nghiên cứu đánh giá việc tăng thuế theo phương án 3 vẫn đảm bảo được tăng thu ngân sách và gây tác động tiêu cực ít hơn. Điều quan trọng là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, mức độ bền vững về thu nhập và an sinh của người lao động.
“Việc lựa chọn phương án 3 giúp doanh nghiệp có đủ thời gian để dự liệu, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, chủ động thích ứng với thị trường và tránh được sự suy giảm nghiêm trọng mà phương án tăng thuế sốc có thể làm tổn hại tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”, báo cáo lập luận.