Trùng Khánh nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Trùng Khánh thường xuyên quan tâm. Qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 57,1% năm 2022 tăng lên 58,67% năm 2024. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, từng bước giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Hào cho biết: Huyện Trùng Khánh có 21 xã, thị trấn với 17.563 hộ, 72.696 nhân khẩu, trong đó, 47.880 người trong độ tuổi lao động, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tạo điều kiện cho LĐNT tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, tạo cơ hội việc làm phù hợp với khả năng của người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch rà soát nhu cầu học nghề cho LĐNT phù hợp với nhu cầu thực tế đăng ký của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc tổ chức học nghề. Tổ chức đào tạo nghề gắn với các chương trình, đề án trọng tâm của huyện, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề và chuyển đổi nghề của người lao động. Qua đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân ở vùng nông thôn. Tỷ lệ lao động học nghề tự tạo việc làm, có việc làm ở địa phương tăng dần, LĐNT đã tận dụng thời gian nông nhàn để sản xuất, làm thêm nghề tăng thu nhập. Công tác quản lý tổ chức lớp học, đánh giá xếp loại học viên, cấp phát chứng chỉ cho người học nghề sau khóa học đều được thực hiện đúng quy định. Huyện ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển các sản phẩm OCOP của huyện.

Học viên xã Phong Nặm (Trùng Khánh) tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Học viên xã Phong Nặm (Trùng Khánh) tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trùng Khánh Ngôn Thị Liêm cho biết: Năm 2024, huyện được giao trên 3,1 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia mở 20 lớp đào tạo nghề với 700 học viên tham gia. Đến nay, huyện mở được 10 lớp/350 học viên học các nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương như: chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng thuốc lá, trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật trồng dong riềng…

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho giáo dục thường xuyên huyện giai đoạn 2021 - 2025, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách học nghề, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm bằng nhiều hình thức phù hợp đến người lao động. Điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của LĐNT để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học, sát với nhu cầu của người dân và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Tập trung đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận LĐNT sang làm nông nghiệp dịch vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trung-khanh-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-3173774.html
Zalo