Huế: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025
Sáng nay (23/4), tại Thư viện Tổng hợp thành phố Huế đã diễn ra khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 với chủ đề 'Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng'.
Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức trưng bày hơn 200 bản sách thuộc Tủ sách Huế và 50 tác phẩm thiết kế bìa sách do học sinh THCS thực hiện với chủ đề “Thành Huế quê hương em”. Đồng thời, phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025, hướng đến xây dựng xã hội học tập, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Khai mạc ngày sách và văn hóa đọc tại thành phố Huế
Em Đặng Nguyễn Ngọc Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 cho biết: “Em thấy Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là một ngày rất là bổ ích, thú vị, có rất nhiều hoạt động để giúp cho các bạn có thể tìm hiểu về sách cũng như nâng cao tình yêu với sách. Em nghĩ, việc đọc sách mang đến nhiều ý nghĩa, kiến thức, tri thức và trang bị một hành trang để mình có thể phát triển bản thân nhiều hơn nữa trong tương lai”.

Các em học sinh tham gia các hoạt động tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 ở thành phố Huế

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 tại Huế
Nổi bật trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần này tại Huế là lễ ra mắt 2 ấn phẩm mới: “Huế - Di tích và danh thắng”, giới thiệu tổng quan về các di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa gắn với Cố đô Huế; Ấn phẩm “Hương ước các làng tại thành phố Huế” tập hợp 67 bản hương ước tiêu biểu, là nguồn tư liệu quý phục vụ nghiên cứu làng xã truyền thống.

Ban Tổ chức đã trao tặng 500 bản sách đến các thư viện công cộng, các cơ sở giáo dục và đơn vị nghiên cứu trên địa bàn
Ban Tổ chức cũng đã trao tặng 500 bản sách đến các thư viện công cộng, không gian đọc cơ sở, các cơ sở giáo dục và đơn vị nghiên cứu trên địa bàn.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Huế
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Huế cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, làm sao được bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất để người ta tiếp cận được hệ thống sách và kho tàng tri thức. Thứ hai nữa là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Thứ ba, bước phát triển phải mang tính bền vững và đi vào thực chất. Đây chính là cách góp phần nâng cao dân trí, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa xã hội trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ”.