Hành trình thống nhất: Những tượng đài bất tử
Trong suốt hành trình 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chiến đấu giành độc lập, thống nhất non sông, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã làm nên những chiến thắng chói lọi, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam. Nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước trở thành biểu tượng cao đẹp, tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Cầu Hiền Lương.
Tháng tư này, đi khắp đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng tràn ngập không khí rộn ràng chào mừng ngày thống nhất non sông. Hòa chung niềm vui của dân tộc, chúng ta lại nhớ tới những anh hùng, liệt sĩ, những tấm gương đã hy sinh quên mình để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc.
Ký ức tháng tư
Chúng tôi về làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - vùng quê nghèo đã nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần yêu nước của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Khí chất quả cảm của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Nam mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành biểu tượng của thanh niên có lý tưởng sống cao đẹp, trung kiên, bất khuất, hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tại nhà thân sinh Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - Di tích lịch sử cấp tỉnh, bà Nguyễn Thị Bê (em gái út) lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ cha mẹ và các anh, giọng lắng xuống: “Nhiều năm nay ngày nào tôi cũng đạp xe vào mở cửa, lau dọn bàn thờ và thắp hương. Nhà có 5 anh chị em thì hai anh lớn đã hy sinh, người anh còn lại cũng bệnh mất rồi, hiện còn một người chị nhưng già yếu. Tuổi càng lớn, nỗi nhớ cha mẹ và các anh lại càng dày thêm, nhiều đêm tôi không ngủ. Tôi năm nay cũng 70 tuổi rồi, còn sống được ngày nào, tôi sẽ trông nom chu đáo nơi này”.

Du khách tham quan Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Trên nhiều miền quê đất Việt hôm nay, tên của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã được đặt tên cho hàng trăm ngôi trường, đường phố và những cây cầu. Trong hạnh phúc hòa bình đất nước hôm nay, biểu tượng bất khuất của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là dấu son đỏ trên bản đồ lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn sâu sắc.
Lực lượng đặc biệt
Trong lực lượng cách mạng tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất, có một lực lượng đặc biệt tác chiến ngay giữa thủ đô của Mỹ-ngụy, đó là biệt động Sài Gòn. Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã chiến đấu anh dũng tuyệt vời, nhiều người đã ngã xuống trước thời khắc lịch sử của Ngày 30/4. Nhớ lại những năm tháng hào hùng đó, ông Nguyễn Văn Khen - thành viên Đội 67 Biệt động Sài Gòn cho biết: “Chiến đấu đơn tuyến ở nội đô, chiến sĩ biệt động phải hủy bỏ tất cả những gì có liên quan đến mình: Tung tích gia đình, xuất xứ, họ tên… để trở thành một con người mới với giấy tờ giả, hoàn cảnh giả. Từ đó, chúng tôi thâm nhập vào cuộc sống đời thường, chủ động tìm mục tiêu và đề xuất phương án đánh địch”.
Có thể khẳng định, lực lượng biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa chiến tranh vào đô thị, làm mất ổn định ngay tại nơi địch tự cho là an toàn nhất với liên tiếp những trận đánh lớn nhỏ, vừa tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, vừa gây tác động mạnh mẽ về chính trị, kích thích tinh thần quần chúng hưởng ứng cách mạng… Cựu nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, trực tiếp làm công tác cứu thương, phục vụ chiến đấu trong cả 2 đợt Mậu Thân nhớ lại: “Đối với chúng tôi, khi đó ra trận là vinh dự, mặc dù nhiều người còn trẻ, vừa chiến đấu, vừa học hỏi, thậm chí như tôi khi đó ngay hai từ “cán bộ” cũng còn chưa rõ nghĩa. Chiến trường thì ác liệt lắm, tổn thất hy sinh nhiều bởi biệt động bung hết lực lượng, nhưng chúng tôi không bao giờ run sợ bởi luôn có niềm tin vào ngày giải phóng”.
Cũng chính niềm tin sắt đá đã trở thành hành trang, vũ khí cho những chiến sĩ biệt động khi bị địch bắt, tù đày. Theo ông Nguyễn Văn Khen, ông và đồng đội luôn quyết chí không sờn lòng, giữ vững danh hiệu “Biệt động Sài Gòn”. Cũng bởi vậy, cho dù bị biệt giam suốt 8 năm, chịu biết bao cực hình tra tấn, nhưng ngay khi được trao trả sau Hiệp định Paris, ông lập tức bắt liên lạc công tác và làm tròn nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tấm lòng người ở lại
Đại tá Trần Ngọc Long, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn, người đã từng tham gia chiến đấu trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 bảo vệ thị xã (nay gọi Thành cổ) Quảng Trị khi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đang chiến đấu tại tây bắc tỉnh Thừa Thiên. Ông được phân công thay mặt trung đoàn trở lại nhận bàn giao thị xã Quảng Trị để Trung đoàn 48-Quang Sơn (nay là Thạch Hãn) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thị xã theo lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên (B5). Ngày 23/6/1972, bộ phận này đã có mặt nhận bàn giao.
Ông Long nhớ lại: Suốt 81 ngày đêm ấy, trong đội hình thuộc quyền chỉ huy của Ban Chỉ huy bảo vệ thị xã Quảng Trị, chúng tôi cùng các đơn vị, các binh chủng chiến đấu ngăn chặn từng bước lực lượng đối phương có sự chi viện tối đa, dữ dội về hỏa lực pháo binh, pháo hạm và không quân. Bộ đội ta nhiều anh em hy sinh trong các trận đối đầu với chúng có ưu thế hơn hẳn ta về lực lượng mặt đất cũng như hỏa lực không quân, hải quân các loại; song, các đơn vị đều kiên cường bám trụ giữ trận địa từng tấc đất, từng căn hầm, góc phố buộc đối phương phải gia hạn 5 đợt việc lui thời điểm cắm cờ tái chiếm Thành cổ, mãi đến khi ta chủ động rút quân hoàn toàn chúng mới chiếm được Thành cổ, thời gian cũng bị kéo dài tới 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9/1972 mặc dù kế hoạch tái chiếm đề ra nhanh chóng để tạo thế cho chúng trước, trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris là không thể.
Thành cổ bị tàn phá không một mét tường thành, không một tấc đất còn nguyên vẹn. Đau xót hơn khi chúng tôi vừa mai táng anh em xong lại bị những trận bom, pháo địch tiếp sau khoan sâu, bới nát. Thi thể liệt sĩ không ai được mai táng một lần, nhiều người phải mai táng lại ba, bốn, năm lần. Sau mỗi đợt chiến đấu lại đi tìm, nhặt từng mẩu thi hài đồng đội cùng với sẵn sàng chiến đấu mà lòng đau như cắt.
Một trong những hình ảnh ông Trần Ngọc Long nhớ mãi là y sĩ quân y tiểu đoàn Cao Văn Nhận, quê Đông Lâm, Tiền Hải, Thái Bình hy sinh ngày 1/9/1972 do đạn pháo của địch. Anh là đối tượng kết nạp Đảng. Trước khi ngừng hơi thở cuối cùng, anh đã trăng trối: “Các đồng chí báo cáo tôi hoàn thành nhiệm vụ với Đảng”. Kể đến đây, ông Long nghẹn ngào. Giọng ông trầm lặng, mắt nhìn trong hư vô như đau xót vì đồng đội của mình đã để lại cả tuổi thanh xuân nơi Thành cổ Quảng Trị mà hầu hết họ chưa lập gia đình hoặc chưa có con nối dõi.
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm đã góp phần vào mặt trận đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Paris đi đến kết thúc ngày 27/1/1973. Nhắc đến đây, ông Long lại trầm tư. Để có được chiến thắng như vậy, chỉ tính riêng các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm năm 1972 chỉ thu thập được danh sách 1.901 liệt sĩ, thực tế số người hy sinh còn nhiều hơn nữa. Tiểu đoàn ông đến đêm cuối cùng chỉ còn khoảng 50 người qua sông Thạch Hãn sang Ái Tử. Nhiều đồng đội hy sinh đến giờ vẫn chưa tìm được phần mộ.
Cội nguồn sức mạnh
Những ngày tháng tư lịch sử này, buổi gặp gỡ của các cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh, Quân khu 9, đơn vị ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức đầy nghĩa tình ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trong cuộc gặp, hơn 400 cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh các tỉnh phía bắc từ Hà Tĩnh trở ra góp mặt đông đủ. Những chiến sĩ khi vào chiến trường mới tuổi đôi mươi, nay nhiều người tóc đã bạc. Đồng đội gặp nhau, tay bắt mặt mừng, những câu chuyện về ký ức chiến tranh râm ran khắp khán phòng rộng tưởng chừng không dứt.
Đại tướng Phạm Văn Trà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1-U Minh (giai đoạn 1973-1976), thường được đồng đội gọi với cái tên gần gũi “Anh Ba Trà”. Trong câu chuyện với chúng tôi, vị Đại tướng đã bước sang tuổi 90 vẫn đau đáu khi có hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu gian khổ ở mặt trận Tây Nam Bộ. Cho đến nay, còn rất nhiều trường hợp liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Với sự quan tâm của Đại tướng, ông đã cùng các đồng chí, đồng đội hỗ trợ xây dựng hơn 700 ngôi nhà mới cho các cựu chiến binh, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban liên lạc Trung đoàn ở phía nam cũng như Ban liên lạc các tỉnh, thành phố phía bắc.
Đại tướng cũng là người khởi xướng xây dựng đền thờ Bác Hồ, Bác Tôn, các vị lãnh đạo gắn bó với Quân khu 9, các anh hùng, liệt sĩ của trung đoàn tại thành phố Cần Thơ. Năm 2024, đền thờ đã hoàn thành. Ông cũng có sáng kiến thành lập Quỹ khuyến học ở hai địa phương Cần Thơ và Hậu Giang và Quỹ Khuyến tài ở tỉnh Bắc Ninh để giúp đỡ con, cháu các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập.
Đại tướng Phạm Văn Trà xúc động chia sẻ, trong cuộc đời lăn lội trận mạc, tôi không bao giờ quên được sự giúp đỡ, tình cảm của nhân dân các địa phương nơi tôi tham gia chiến đấu. Bản thân tôi và nhiều đồng đội cũng đã bị thương trong các cuộc chiến đấu. Nếu không có nhân dân hết lòng chở che, cứu chữa và bảo vệ, tôi và các đồng đội đã không còn có thể có cơ hội trở về để tiếp tục tham gia chiến đấu. Sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh để chúng tôi giành được chiến thắng trước các kẻ thù mạnh hơn rất nhiều. Vì vậy, thời gian qua, tôi thường xuyên cùng các đồng đội trở về những chiến trường xưa, thăm lại bà con đã cưu mang trong kháng chiến. Mong muốn của chúng tôi là làm sao để đời sống người dân ngày càng được nâng cao, dân giàu thì nước mới mạnh. Đó chính là kế sách giữ nước bền vững, lâu dài.
Trong những câu chuyện kể tháng tư mà chúng tôi đã gặp, mẫu số chung là lòng tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội, đồng bào đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ ngã xuống để đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc. Tri ân các thế hệ đi trước, các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để mỗi người hôm nay đang sống trong hòa bình, tự do thêm biết ơn, trân trọng lịch sử. (Còn nữa)
>> Hành trình thống nhất: Quyết chiến, quyết thắng >> Hành trình thống nhất: Kháng chiến trường kỳ