Triển lãm 300 ảnh, tài liệu, hiện vật mang thông điệp 'Đất nước trọn niềm vui'
Chiều 23/4, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề 'Đất nước trọn niềm vui' hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đây là chương trình giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong lịch sử dân tộc. Ảnh: Giang Ngọc
Với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trong đó có những tài liệu, hiện vật gốc lần đầu ra mắt công chúng, trưng bày chuyên đề được mở đầu với bối cảnh sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Đế quốc Mỹ thay thế Thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ hòng lập phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng Đông Nam Á.
Nhưng với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam", toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, để hoàn thành mục tiêu Tổ quốc thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.
Đặc biệt, trong số các hiện vật trưng bày có những tác phẩm mang nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tiêu biểu như bức chân dung Bác Hồ bằng máu của họa sỹ Lê Duy Ứng. Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông tham gia quân ngũ theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Năm 1975, chỉ ít ngày trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, trong một cuộc chiến khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn, họa sỹ Lê Duy Ứng đã bị thương nặng, hỏng đôi mắt. Trong những phút tỉnh táo trước khi ngất đi vì vết thương quá nặng, họa sỹ Lê Duy Ứng đã lấy máu từ đôi mắt của mình để vẽ nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan Trưng bày "Đất nước trọn niềm vui”.
Tại đây cũng có những hiện vật gốc lần đầu tiên được giới thiệu như: chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi - cán bộ công tác tại nhà in bí mật số 157 Nguyễn Trãi, Sài Gòn - sử dụng để vận chuyển các tài liệu quan trọng một cách an toàn qua các chốt kiểm tra gắt gao của địch; hay bộ quần áo complê của ông Bùi Văn Chiếu, chiến sĩ biệt động Sài Gòn mặc trong thời gian hoạt động cách mạng, tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là trận đánh Tổng nha Cảnh sát ngày 16/8/1965…
Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Với trưng bày chuyên đề: "Đất nước trọn niềm vui", Ban Tổ chức mong muốn giúp công chúng hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong lịch sử dân tộc. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19C Ngọc Hà, Q.Đình, Hà Nội, từ ngày 23/4 đến 10/8/2025.
Nội dung trưng bày chuyên đề: "Đất nước trọn niềm vui" chia thành 3 phần.
- Phần I: “Khát vọng hòa bình” điểm lại bối cảnh lịch sử từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
- Phần II: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975” tái hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đập tan bộ máy ngụy quyền do Mỹ dựng lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Phần III: “Việt Nam vươn tới những tầm cao” mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối Đổi mới được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đề ra đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có bước chuyển mình kỳ diệu.