Giáo viên Ngữ Văn với việc hình thành văn hóa đọc cho học sinh

Giữa bối cảnh công nghệ số phát triển, giáo viên Ngữ Văn càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh yêu sách và hình thành văn hóa đọc.

Cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm văn học.

Cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm văn học.

Văn hóa đọc của học sinh trong nhà trường còn bất cập

Đọc sách được coi là con đường bền vững nhất để mỗi học sinh tự học, trang bị tri thức, hình thành nền tảng văn hóa để phát triển bản thân. Hiện nay, khi công nghệ số phát triển vô cùng nhanh chóng, khả năng đáp ứng yêu cầu và hỗ trợ người học ngày càng tốt, thì tất nhiên việc đọc sách sẽ phải đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) tỏ ra tiếc nuối khi nói về điều này: “Thực tế hiện nay, văn hóa đọc của học sinh trong nhà trường còn nhiều bất cập. Một số học sinh còn lười đọc sách, hoặc có đọc nhưng không có chất lượng, đọc qua loa, không thực sự chú tâm nội dung. Có nhiều học sinh không bao giờ xuống thư viện nhà trường mượn sách, đọc sách. Cá biệt, có học sinh còn đọc kém, phát âm sai”.

 Cô Lê Thị Thu Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên) luôn khơi gợi cho học sinh hứng thú đọc sách.

Cô Lê Thị Thu Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên) luôn khơi gợi cho học sinh hứng thú đọc sách.

Lí giải về nguyên nhân, cô Trần Lệ Huyền cho rằng có thể do áp lực học và thi cử, nhiều học sinh không còn thời gian để đọc sách, đặc biệt những sách ngoài chương trình. Bên cạnh đó, sự chi phối của các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi, mạng xã hội… cũng khiến học sinh mất dần thói quen đọc sách, lâu dần dẫn đến ngại đọc.

“Nhà trường đã tổ chức các giờ học chuyên đề, giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp có lồng ghép nội dung phát triển văn hóa đọc; đầu tư và phát triển thư viện như mở rộng không gian, tăng số lượng đầu sách phù hợp với nhu cầu của học sinh, xây dựng thư viện số để người đọc có thể truy cập. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức ngày Hội văn hóa đọc cho học sinh, trong đó có các hoạt động như: Xây dựng video giới thiệu sách, chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm, mời các diễn giả về nói chuyện với học sinh để nâng cao nhận thức về văn hóa đọc” - cô Trần Lệ Huyền cho biết.

 Cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) và những giờ giải lao đọc sách cùng học trò.

Cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) và những giờ giải lao đọc sách cùng học trò.

Tương tự, cô Lê Thị Thu Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên) cho biết: “Hiện nay học sinh giảm hứng thú với việc đọc sách, ít đọc sách truyền thống. Điều này cũng có thể hiểu được bởi lượng thông tin trên mạng nhiều, thu hút các em hơn là sách”.

Tuy vậy, cô Lê Thị Thu Huyền cũng cho rằng đã có sự thay đổi khả quan tích cực hơn khi nhà trường tổ chức thêm nhiều sinh hoạt hấp dẫn nhằm tăng hứng thú, tuyên truyền về văn hóa đọc cho học sinh, bố trí hoạt động tiết đọc thư viện thường xuyên…

Vai trò của giáo viên Ngữ Văn

Là một môn học đặc thù trong lĩnh vực xã hội nhân văn, có sự liên ngành giữa khoa học và nghệ thuật, Ngữ Văn đóng một vai trò riêng đặc biệt trong việc rèn tạo văn hóa đọc cho học sinh.

Giáo viên Ngữ Văn là những người có khả năng tốt nhất để giúp học sinh biết lựa chọn đề tài hoặc những vấn đề cần đọc; biết cách tiếp nhận sâu sắc nội dung đọc, có kĩ thuật và tốc độ đọc hợp lí; biết cách củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè; vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của chính mình.

Về vấn đề này, cô Trần Lệ Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) nhận định: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ môn Ngữ Văn hiện hành chú trọng năng lực của học sinh như đọc, viết, nghe, nói, năng lực thẩm mĩ trong tiếp nhận và sáng tạo văn học…

Theo đó, những giờ dạy - học Ngữ Văn không chỉ nhằm truyền đạt tri thức môn học qua bài đọc văn bản, mà còn có nội dung thực hành viết, nói và nghe. Đặc biệt, trong các giờ về nói và nghe, học sinh được trình bày ý kiến, thảo luận về nhiều vấn đề trong đời sống, học tập, nhờ vậy mà kĩ năng của học sinh được củng cố và nâng cao.

 Một giờ đọc sách của cô và trò Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên.

Một giờ đọc sách của cô và trò Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên.

Trong khi đó, cô Lê Thị Thu Huyền (GV Ngữ Văn, Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên) trao đổi: Ngữ Văn là bộ môn đặc thù cho nên giáo viên có ưu thế riêng trong việc phát huy văn hóa đọc ở học sinh. Nắm được nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Trước hết học sinh không có kĩ năng đọc, cảm thụ văn chương dẫn đến các em không cảm nhận được cái hay của nó và nản không muốn đọc. Nhiệm vụ của giáo viên Ngữ Văn là trang bị cho học sinh kĩ năng đọc, cảm thụ văn chương để các em hiểu và cảm được cái hay của nó từ đó các em sẽ có hứng thú đọc.

Hiện nay học sinh chưa được định hướng trong việc tìm sách đọc, cho nên nhiều bạn đọc theo trào lưu, đọc không chọn lọc, đọc hời hợt, dễ bị thu hút bởi những sách truyện không có giá trị. Giáo viên Ngữ Văn cần định hướng cho học sinh, gợi ý những đầu sách, tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, với khả năng nhận thức của học sinh.

“Chúng tôi đã lồng ghép vào trong giờ học Ngữ Văn để khơi dậy đam mê đọc sách cho các em học sinh, như Tiết học thư viện, Tiết dạy Chuyên đề Văn hóa đọc trong cuộc sống hiện đại. Tôi đưa ra vấn đề để các bạn học sinh tranh biện với nhau, từ đó các em cùng nhận thức được ý nghĩa của việc đọc sách; cho học sinh thực hiện chuyên đề giới thiệu những cuốn sách hay, những tác giả văn học xuất sắc mà em yêu thích. Kết quả, các bạn học sinh rất hứng thú và nhiệt tình tham gia” - cô Lê Thị Thu Huyền vui mừng chia sẻ.

Phạm Vũ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-ngu-van-voi-viec-hinh-thanh-van-hoa-doc-cho-hoc-sinh-post728387.html
Zalo