HTX vượt thách thức trên hành trình phát triển kinh tế tuần hoàn
Đóng góp không nhỏ trong phát triển ngành nông nghiệp cũng như kinh tế đất nước, nhưng khi các HTX đầu tư cho kinh tế tuần hoàn để vừa bảo đảm các mục tiêu kinh tế và môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhận thấy giá trị phong phú từ cây chuối, HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (Hà Nội) không chỉ tận dụng thân cây chuối làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi mà còn là đơn vị tiên phong đầu tư cơ sở sản xuất sợi chuối. Điều này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp với định hướng trung tâm là lấy kinh tế tuần hoàn làm nền tảng để gia tăng giá trị kinh tế và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tiên phong bước vào "con đường" mới
Hiện, quy trình sản xuất của HTX từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, ép thân cây chuối đều theo hướng sinh thái. Các bã thải, nước thải từ quá trình ép thân cây chuối đều được tận dụng tối đa nhằm phục vụ chính quy trình trồng chuối. Sợi chuối được HTX sản xuất thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Cũng nhìn ra giá trị và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ cây chuối, HTX Thanh Bình (Đồng Nai) ngoài xuất khẩu chuối tươi còn đầu tư máy móc sản xuất sợi chuối làm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm dùng một lần. Ngoài ra, HTX còn xử lý thân cây chuối thành phân bón hữu cơ giúp tận dụng hoàn toàn thân cây chuối, tránh lãng phí và tái đầu tư, mang lại thêm nguồn thu cho thành viên.
Theo tính toán, một gốc chuối phải mất gần 1 năm để cho 1 buồng bán được 80.000- 100.000 đồng. Nhưng khi tận dụng thân cây chuối để làm phân bón thì chi phí phân bón, chăm sóc hầu như bằng 0, nên lợi nhuận thu về sẽ gần như gấp đôi. Đó là chưa tính việc HTX tận dụng thân chuối để sản xuất sợi làm thủ công mỹ nghệ.

HTX Khai Thái là một đơn vị tiên phong sản xuất sợi chuối để làm thủ công mỹ nghệ.
Rõ ràng, sản xuất tuần hoàn và tận dụng tối đa các phế phụ phẩm nông nghiệp là một tài nguyên lớn để gia tăng kinh tế và giải quyết áp lực môi trường. Và không ít HTX đã là đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn như HTX Khai Thái và HTX Thanh Bình. Điều này cho thấy cái nhìn sâu rộng của những người đứng đầu mô hình kinh tế tập thể trong phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một trong những điểm khó của những HTX phát triển kinh tế tuần hoàn là nhiều người tiêu dùng trong nước chưa thực sự có ý thức cao về các sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững. Điều này khiến hàng hóa của quá trình sản xuất tuần hoàn tiêu thụ trong nước chậm hơn so với xuất khẩu.
Đi liền với đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại là rất cần thiết. Vậy nhưng, theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình, khó khăn hiện nay là trong nước vẫn chưa có những công nghệ, quy trình, máy móc tối ưu để ứng dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế tuần hoàn. Do đó, HTX phải nhập máy móc, tìm hiểu quy trình khoa học từ nước ngoài về để áp dụng, nên phải chi nguồn vốn đầu tư lớn.
Ngay như việc tận dụng phế phụ phẩm để tự sản xuất phân hữu cơ của HTX Thanh Xuân (Hà Nội) gần đây cũng đã phải chuyển sang áp dụng quy trình, phương pháp ủ phân của Nhật Bản để tăng thành phần dinh dưỡng và giảm tối đa dư lượng kim loại nặng trong phân ủ thành phẩm.
Việc áp dụng phương pháp ủ phân của Nhật Bản sẽ làm giảm gánh nặng thu gom các nguyên liệu xanh thường chiếm đến 50% trong thành phần ủ của phương pháp cũ. Trong khi ở phương pháp này, cám gạo và rơm là các phụ phẩm sẵn có trong nông thôn Việt Nam, chiếm chỉ từ 1 – 5 % mà không cần lệ thuộc vào EM, hay vi sinh vật ngoại lai, phân động vật dễ dàng mua từ cơ sở thu gom. Phương pháp ủ phân này cũng được đánh giá là tối ưu hơn so với phương pháp ủ phân trước đó do Việt Nam nghiên cứu.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Rõ ràng, áp dụng quy trình tuần hoàn đối với các HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn, áp lực. Nhiều HTX đã nhận thấy lợi ích thiết thực của kinh tế tuần hoàn vì có thể cung cấp được hàng hóa sạch cho thị trường. Tuy nhiên, trước những khó khăn về vốn, công nghệ hay thị trường, không ít HTX vẫn còn e dè trong đầu tư cho kinh tế tuần hoàn hoặc gặp thách thức trong mở rộng mô hình này.
Là một HTX có tiếng trong sản xuất rau sinh thái có chứng nhận, nhưng HTX nông nghiệp Thanh Hà (Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong kết nối với các công ty xuất khẩu lớn. Hay như HTX Khai Thái, việc đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng trong sản xuất kinh doanh là cần thiết, nhưng đi liền với đó, HTX phải đầu tư thêm diện tích nguyên liệu, mở rộng nhà xưởng, nhập thêm máy móc nên nhu cầu về nguồn vốn là rất lớn và luôn thường trực.
Ông Hà Chí Mãng, Giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh), cho rằng việc định hướng sản xuất và chế biến mãng cầu đã có trong kế hoạch của HTX. Do đó, nếu vay được nguồn vốn hỗ trợ, lãi suất ưu đãi và quá trình này được thúc đẩy nhanh thì tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh hơn, sản phẩm chế biến từ mãng cầu sẽ ra thị trường sớm.
Theo giới chuyên gia, điều quan trọng nhất để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là các HTX cần có nguồn vốn đầu tư cho công nghệ, máy móc, áp dụng quy trình sản xuất khoa học để tạo ra đa giá trị. Như HTX chăn nuôi, muốn tận dụng chất thải phải có vốn đầu tư khu vực nuôi đảm bảo theo quy trình khoa học, phải có công nghệ, máy móc thu gom, xử lý chất thải thành nước và phân bón; phải có riêng khu vực chế biến hiện đại đi đôi với thu gom chất thải. Việc đầu tư cho những mô hình như vậy cần nguồn vốn rất lớn.
Đó là chưa kể, để thực hiện mô hình này, HTX cũng cần có nhân sự có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi. Trong khi ngay việc đi thuê nhân lực trong lĩnh vực này đối với HTX cũng rất khó khăn vì vừa ít mối quan hệ, vừa do Việt Nam chưa thực sự phát triển hệ thống đào tạo chuyên về lĩnh vực thiết kế những mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm có các giải pháp để gỡ nút thắt về cơ chế, về hành lang pháp lý, vốn… mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị phát triển kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững, hiệu quả.