Xuất khẩu nông sản: Cơ hội trong thương chiến
Nguy cơ chiến tranh thương mại là thử thách lớn với hoạt động xuất khẩu. Song, trong nguy cũng có cơ, khi doanh nghiệp linh hoạt và chủ động thích ứng.
Năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là 123,5 tỷ USD. Trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với một số quốc gia, nên doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị tinh thần đề phòng việc này.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, Intimex có một số lợi thế nhất định khi mặt hàng nông sản chủ lực như hạt tiêu, hạt điều, cà phê không bị áp thuế nhập khẩu do Mỹ không sản xuất các sản phẩm này. Điều này giúp Intimex duy trì thị phần và tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài hạt tiêu, điều nhân, Intimex còn là nhà xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất Việt Nam vào thị trường Mỹ. Đồng thời nhập khẩu hàng ngàn tấn thực phẩm đông lạnh như gà, bò… từ thị trường này. Tính riêng trong năm 2024, xuất nhập khẩu với Mỹ của doanh nghiệp đạt trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Nam lo ngại, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ một mặt có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, mặt khác cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ do giá hàng tiêu dùng tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cà phê và một số mặt hàng nông sản khác, trong đó có nguồn cung từ Intimex.
Ngoài ra, việc áp đặt nhiều loại thuế nhập khẩu mới từ Mỹ có thể dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thậm chí chiến tranh thương mại giữa các quốc gia.
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu số 1 của Việt Nam, khi chiếm 29% thị phần. Trong năm 2024, ngành hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt mức cao kỷ lục với hơn 73.000 tấn, kim ngạch đạt gần 400 triệu USD, so với năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 33%.
Khi các biện pháp của chính phủ Mỹ thực thi, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, khả năng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu của hồ tiêu và các loại gia vị Việt Nam, có nguy cơ sẽ bị thay thế bởi các nguồn cung khác, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
“Dự báo tình hình xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, do sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đặc thù, nên có thể trước mắt, Mỹ chưa đánh thuế đối với mặt hàng này, mà sẽ đưa ra một số hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu”, bà Liên nói.
Tương tự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, hiện tại, Phúc Sinh xuất khẩu hơn 60.000 tấn cà phê và 30.000 tấn hồ tiêu mỗi năm. Thay vì chỉ bán nguyên liệu thô, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu với nhà máy được đầu tư bài bản, công nghệ rang xay và chế biến hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đồng thời, với hơn 20.000 ha vùng trồng cà phê đạt chuẩn Rainforest Alliance, 100% hồ tiêu xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ Mỹ và châu Âu, tăng cơ hội thâm nhập vào các thị trường khó tính.
“Phúc Sinh xuất khẩu tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhằm giảm thiểu rủi ro, chúng tôi luôn chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tạo ra cơ hội”, ông Thông chia sẻ.
Có thể nói, chiến tranh thương mại cũng khiến các doanh nghiệp năng động trong việc tìm kiếm thị trường thay thế. Khi một số quốc gia không thể xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ do tác động thuế, Việt Nam có thể tận dụng để thay thế. Với chất lượng sản phẩm tốt và tiêu chuẩn sản xuất xanh, Việt Nam có thể mở rộng các thị trường khác như EU, châu Á, Trung Đông…
Ông Đỗ Hà Nam thông tin, năm 2024, xuất khẩu hạt điều sang Trung Đông của Intimex tăng gấp đôi so với năm 2023, xuất khẩu cà phê hòa tan sang Trung Quốc tăng gấp hơn 10 lần so với năm trước. Đó là ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Đông, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Về lâu dài, hầu hết doanh nghiệp mong muốn Chính phủ điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng có lợi cho xuất khẩu; ưu tiên hạn mức vay vốn với lãi suất hợp lý cho nông sản xuất khẩu do giá nguyên liệu trong nước tăng cao. Đồng thời, chủ động đàm phán với Mỹ để duy trì môi trường thương mại ổn định, giảm thiểu nguy cơ áp thuế hoặc các biện pháp kiểm soát gắt gao trong giai đoạn tới.