Hợp tác xã giữ vai trò then chốt trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Nhờ áp dụng mô hình này, nông dân giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ.

Tại Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cần Thơ ngày 14/2, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho biết đề án đã được triển khai thí điểm tại Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh. Kết quả cho thấy, so với phương pháp trồng lúa truyền thống, mô hình này giúp giảm 50% lượng giống, giảm 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng lợi nhuận trên 5 triệu đồng/ha/vụ.

Trao giải thưởng HTX tiên phong ứng dụng phần mềm chuyển đổi số.

Trao giải thưởng HTX tiên phong ứng dụng phần mềm chuyển đổi số.

Hợp tác xã dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ và quản lý sản xuất

Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp không chỉ đóng vai trò tổ chức sản xuất mà còn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số. Ông Nông Văn Thạch - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp Ba Đình (Bạc Liêu) - cho biết trước khi tham gia đề án, HTX gặp nhiều khó khăn trong quản lý sản xuất, ghi chép nhật ký canh tác, tối ưu hóa chi phí và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ số, HTX đã nâng cao khả năng kết nối thị trường, mở rộng đầu ra và gia tăng giá trị sản phẩm. Thông qua nền tảng thương mại điện tử và các giải pháp số, sản phẩm của HTX tiếp cận được nhiều đối tác hơn. Mô hình lúa - tôm của HTX áp dụng phương pháp canh tác xanh, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giảm thiểu hóa chất và quản lý nước hiệu quả, vừa đảm bảo năng suất, vừa bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ - các HTX vẫn gặp trở ngại trong việc áp dụng công nghệ mới do hạn chế về vốn đầu tư và trình độ quản lý. Nhiều HTX và nông dân còn e dè trong việc thay đổi phương thức sản xuất.

Thực tế, các địa phương đang triển khai phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm) và phần mềm kế toán HTX (WACA) giúp HTX ghi chép, quản lý tài chính, theo dõi hoạt động sản xuất dễ dàng hơn. Những công cụ này giúp tăng tính minh bạch, tạo niềm tin với đối tác và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp tại ĐBSCL đã triển khai đào tạo sử dụng phần mềm kế toán, nhật ký sản xuất cho HTX, hướng dẫn HTX và nông dân giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo từ Công ty Sorimachi Việt Nam cho thấy, ngân sách dành cho nâng cao năng lực số của HTX vẫn còn hạn chế, nhiều HTX chưa có nhân sự chuyên trách về quản lý tài chính và công nghệ.

Định hướng phát triển: HTX là hạt nhân trong phát triển bền vững

HTX là cầu nối giúp nông dân tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ việc sử dụng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ, đến áp dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã triển khai mô hình canh tác theo tiêu chuẩn GAP, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và tăng hiệu suất lao động. Đồng thời, HTX giúp nông dân tuân thủ các quy định về canh tác bền vững, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Nhật Bản.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam ký biên bản hợp tác với đại diện công ty Sorimachi tại Hội nghị.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam ký biên bản hợp tác với đại diện công ty Sorimachi tại Hội nghị.

Một trong những vai trò quan trọng nhất của HTX là tổ chức liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định. HTX giúp nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, giảm rủi ro thị trường và tránh tình trạng bị ép giá. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo địa phương, gia tăng giá trị và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho HTX nông nghiệp. Bà nhấn mạnh: "HTX không chỉ là tổ chức trung gian, mà là chủ thể quan trọng trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Để phát huy vai trò này, cần có cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực để HTX hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh."

Bà cũng đề xuất cần thúc đẩy chính sách tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ phát triển HTX, giúp các HTX có nguồn lực đầu tư vào hạ tầng sản xuất, kho bãi, máy móc và công nghệ chế biến. Điều này sẽ giúp HTX mở rộng quy mô, nâng cao năng lực quản lý và gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần vào sự thành công của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, HTX sẽ là hạt nhân trong việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thông qua ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi xanh. Ông cho biết, đến năm 2030, dự kiến cả nước có khoảng 2 triệu nông dân, hơn 1.200 HTX và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia đề án. Điều này mở ra cơ hội lớn để đầu tư vào công nghệ thông minh, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tưới tiêu tự động và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, hỗ trợ HTX nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng công nghệ, giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trung Việt

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/hop-tac-xa-giu-vai-tro-then-chot-trong-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-1104987.html
Zalo