Hợp tác phát triển các mô hình canh tác bền vững lúa, sầu riêng và cà phê

Ngày 8/4, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam (Bayer) đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm mở rộng hợp tác trong việc phát triển các mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả, an toàn tại Việt Nam trong năm 2025.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Bayer Việt Nam ký kết hợp tác.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Bayer Việt Nam ký kết hợp tác.

Lễ ký kết này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bayer và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp nối những thành công đã đạt được trong giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu chính của MOU là hỗ trợ xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, thúc đẩy các mô hình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại hiệu quả và đảm bảo an toàn cho các vùng trồng sầu riêng và cà phê trọng điểm, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lễ ký kết là bước tiến quan trọng trong hợp tác công tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ bà con nông dân giải quyết các thách thức trong nông nghiệp thông qua hệ thống và mạng lưới khuyến nông cộng đồng. Các mô hình thực hiện trong thời gian qua đã thu được các kết quả tích cực để có thể tiếp tục nhân rộng và chuyển giao công nghệ.

"Cùng với sự hợp tác với Bayer và các đối tác trong chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao năng lực nhà nông nhằm ứng dụng các giải pháp canh tác an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn liền với mục tiêu quốc gia trong phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh", ông Lê Quốc Thanh kỳ vọng.

Trong năm 2025, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Bayer sẽ tập trung mở rộng mô hình vệ tinh Bayer ForwardFarming (Nông nghiệp bền vững hướng đến tương lai) tại các tỉnh sản xuất lúa chính ở Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia xây dựng mô hình điểm thuộc Đề án 1 triệu ha lúa; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ khuyến nông, hợp tác xã và nông dân về giải pháp bảo vệ thực vật và canh tác lúa bền vững... đồng thời, hợp tác lựa chọn và thiết lập các mô hình Better Life Farming (Nông nghiệp tiên phong - Nhà nông thịnh vượng) tại các vùng trồng trọng điểm ở Tây Nguyên; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch hại bền vững và giải pháp bội thu cho sầu riêng và cà phê; ...

Theo ông Lê Quốc Thanh, mô hình Bayer ForwardFarming (viết tắt BFF) đã tạo được sự hấp dẫn, hợp tác của các đối tác và chứng minh hiệu quả tốt đối với bà con sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các giải pháp của các đối tác tích hợp trong mô hình BFF phù hợp với quy trình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành.

Các giải pháp đã góp phần giảm chi phí cho người sản xuất (giảm lượng giống, phân bón, nước tưới...), đặc biệt tăng hiệu quả đối với sản xuất, có những mô hình ghi nhận tăng hiệu quả 50%, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đây sẽ là giải pháp hữu ích và hiệu quả trong quá trình mở rộng diện tích vùng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Mateus Barros, Giám đốc Nhánh khoa học cây trồng Bayer khu vực Đông Nam Á và Pakistan cho biết, sự hợp tác này không chỉ tạo ra một nền tảng vững chắc cho nông dân mà còn xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững toàn diện. Bayer cam kết cung cấp những giải pháp nông học tiên tiến, hiệu quả, giúp nông dân vượt qua những thách thức trong canh tác, đặc biệt là trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Dự án Bayer ForwardFarming (BFF) được khởi động vào năm 2023, đã thiết lập các mô hình canh tác lúa bền vững thành công nhằm tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa). Mô hình đã chuyển giao công nghệ cho hơn 4.500 nông dân trồng lúa, và chứng minh sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường.

Bên cạnh đó, Bayer cũng mang đến Việt Nam bộ giải pháp bội thu, bao gồm: bội thu sầu riêng và bội thu cà phê (thuộc dự án Better Life Farming). Bộ giải pháp này giúp hỗ trợ quản lý sức khỏe cây trồng, chăm sóc bộ rễ, chống lại các loại dịch hại (nấm, tuyến trùng, sâu hại và cỏ dại...) giúp cây sầu riêng và cây cà phê sinh trưởng khỏe mạnh và cho năng suất cao; đồng thời, khi áp dụng bộ giải pháp đúng cách, nông dân có thể quản lý hiệu quả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm thu hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng khi xuất khẩu và kết nối với các đơn vị triển khai mã vùng trồng.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hop-tac-phat-trien-cac-mo-hinh-canh-tac-ben-vung-lua-sau-rieng-va-ca-phe-20250408150538054.htm
Zalo