UNDP và WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí
'Chúng tôi sẵn sàng hành động để đáp ứng tầm nhìn đầy tham vọng - một chương trình đặt con người và quyền được hít thở bầu không khí trong lành vào vị trí trung tâm', bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cùng bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, vừa đưa ra cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí.
Cam kết hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí được đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí tổ chức ngày 24-25/4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại ngày làm việc thứ hai của Hội thảo, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng: "Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nguồn lực thực thi chính sách, thiếu kiến thức và trình độ kỹ thuật khoa học và công nghệ, thiếu mối liên kết đa ngành".

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại sự kiện.
Nhấn mạnh rằng, một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, dị ứng, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, suy tim và một số bệnh về da và niêm mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hướng đến "chủ động phòng ngừa bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường không khí".
Bà nhấn mạnh "đây không phải là trách nhiệm riêng của bộ ngành nào mà là nhiệm vụ chung của các bộ ngành địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và mỗi người dân".
Chúng ta không thể phát triển trên một bầu trời còn khói bụi. Chúng ta cũng không xây dựng tương lai trên một nền chất lượng không khí còn ô nhiễm. Và muốn phát triển bền vững, chúng ta cần phải làm chủ việc cải thiện chất lượng không khí và chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe của toàn dân.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế
"Không khí sạch không thể chờ đợi”
Thông điệp của bà Khalidi không chỉ là lời khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam mà còn là lời kêu gọi hành động tới toàn xã hội, từ chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân đến người dân.
Cùng với bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, hai tổ chức Liên hợp quốc đã đưa ra một đề xuất hợp tác toàn diện nhằm hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí với 5 trụ cột hành động xuyên suốt từ thể chế đến truyền thông.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.
Từ việc hỗ trợ Việt Nam chuyển hóa các cam kết trong nghị quyết và luật thành các hướng dẫn thực thi và tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, cho đến đề xuất xây dựng một nền tảng phối hợp thể chế vững chắc, UNDP và WHO đều nhấn mạnh rằng "không một bộ, ngành hay lĩnh vực riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí".
Cùng với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đang được kêu gọi, hai tổ chức này còn đặt trọng tâm vào việc cải thiện hệ thống giám sát, tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo sớm, đặc biệt trong bối cảnh dữ liệu chất lượng thấp hoặc thiếu minh bạch đang là rào cản cho hoạch định chính sách hiệu quả.
"Dữ liệu kém chất lượng còn tệ hơn là không có dữ liệu", bà Khalidi dẫn lại lời một chuyên gia và cho biết đó là lý do UNDP sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong xây dựng mạng lưới quan trắc, kiểm kê phát thải và ứng dụng AI, IoT vào dự báo ô nhiễm.
Ông Achim Steiner, Tổng giám đốc UNDP gửi thông điệp đến sự kiện.
Cam kết này còn thể hiện ở việc thúc đẩy nghiên cứu dựa trên dữ liệu Việt Nam thay vì phụ thuộc vào bằng chứng toàn cầu chủ yếu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. "Chúng ta cần hiểu rõ hơn đặc điểm tác động trong từng quốc gia", Trưởng đại diện WHO Angela Pratt nhấn mạnh, cho rằng các hội thảo như lần này có thể là nền tảng điều phối nghiên cứu quốc gia, chia sẻ kết quả và xử lý các khoảng trống trong bằng chứng khoa học.
Song song, WHO đặc biệt đề cao vai trò của truyền thông sức khỏe trong việc chuyển hóa nhận thức cộng đồng thành hành động cụ thể, trong đó có việc loại bỏ tình trạng đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp, một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí mùa đông tại Hà Nội.
Những cảnh báo và giải pháp này không dừng ở cấp độ khuyến nghị, mà đang dần được thể chế hóa trong một văn kiện chiến lược cấp quốc gia.
Chủ động thích ứng - Hướng tiếp cận mới trong Kế hoạch hành động quốc gia
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giới thiệu Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030, một văn kiện được đánh giá là mang tính tích hợp và chủ động cao hơn so với các kế hoạch trước đây.

Bà Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Môi trường, Đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giới thiệu Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030.
Thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát, dự thảo lần này hướng đến mục tiêu kép: vừa kiềm chế mức độ ô nhiễm ở các đô thị lớn, vừa bảo vệ chất lượng không khí tại các khu vực còn trong lành - những vùng trọng điểm cho phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Điểm nổi bật của kế hoạch là cấu trúc đồng bộ với các nhóm giải pháp theo chuỗi từ nguồn thải đến hành động ứng phó, từ xây dựng chính sách đến truyền thông và hợp tác quốc tế.
Dự thảo đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, triển khai thông qua 32 dự án cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là nhóm nhiệm vụ kiểm kê và kiểm soát nguồn phát thải tại chỗ, ưu tiên trong các ngành xi-măng, hóa chất, nhiệt điện và giao thông vận tải. Việc hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là khí thải từ phương tiện giao thông, được coi là bước đi cấp thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý ở cả trung ương lẫn địa phương.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cùng Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam lắng nghe các ý kiến tại sự kiện.
Ngoài ra, kế hoạch cũng thể hiện tư duy chuyển đổi khi đặt ra định hướng phát triển giao thông xanh và giao thông công cộng tích hợp, học hỏi mô hình "vùng phát thải thấp" tại Hà Nội để nhân rộng sang các đô thị khác.
Các sáng kiến như xây dựng hệ thống cây xanh phân tầng kết hợp phun sương dập bụi, nghiên cứu chọn loài cây có khả năng hấp thụ PM2.5, hay phát triển cảm biến theo dõi bức xạ và bụi mịn cũng là những bước đột phá đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, kế hoạch không dừng lại ở góc độ quản lý mà còn mở rộng sang các hành động ứng phó khẩn cấp. Một trung tâm chỉ huy phản ứng nhanh đã được đề xuất nhằm kích hoạt các biện pháp kịp thời khi chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng xác định vai trò trọng yếu của báo chí, truyền thông và hợp tác quốc tế trong việc nâng cao nhận thức và phản ứng xã hội, nhấn mạnh "không khí sạch là nền tảng cho phát triển bền vững".
Chúng tôi rất kỳ vọng kế hoạch hành động quốc gia lần này không chỉ là công cụ quản lý mà sẽ trở thành động lực để các địa phương, ngành nghề và người dân cùng hành động vì một môi trường không khí trong lành hơn cho thế hệ mai sau.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, đại diện Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cùng với những cam kết mạnh mẽ từ UNDP, WHO và các tổ chức quốc tế, bản dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia 2025-2030 là bước đi quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một tương lai xanh, sạch và bền vững. "Không khí sạch không thể chờ đợi", như đại diện WHO nhấn mạnh, giờ không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành một lời kêu gọi hành động khẩn thiết mang tầm quốc gia và toàn cầu.