Hợp tác Nga - Ấn kìm hãm chiến lược địa chính trị của Mỹ

Dù quan hệ Ấn-Mỹ dường như đã được cải thiện hồi năm ngoái, nhưng New Delhi vẫn tăng cường mua dầu thô từ Nga, bất chấp cảnh báo của Washington.

Các quan chức Mỹ và Ấn Độ tham gia đối thoại "2+2" năm 2022. Ảnh: PTI

Các quan chức Mỹ và Ấn Độ tham gia đối thoại "2+2" năm 2022. Ảnh: PTI

Cho đến gần đây, Washington cho rằng Ấn Độ có thể đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh cường quốc ngày càng tăng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh, bên kia là Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, một loạt diễn biến mới đã làm "trật bánh" sự lạc quan này, khiến một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế, quân sự và năng lượng ở Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trở nên thiếu hiệu quả.

Ví dụ mới nhất về việc Ấn Độ không đóng vai trò quan trọng như Mỹ kỳ vọng là rất nhiều hợp đồng dầu mỏ đang được thực hiện bởi New Delhi và Moskva, bất chấp sự phản đối của Washington.

Trong chiến lược kiềm chế Bắc Kinh của Washington, Ấn Độ nổi lên là một lựa chọn. Đầu tiên, về mặt chính trị, dường như Ấn Độ đã sẵn sàng thách thức Trung Quốc sau khi hai bên xảy ra đụng độ vào ngày 15/6/2020 ở Thung lũng Galwan.

Về mặt kinh tế, Ấn Độ có tiềm năng trở thành khách hàng mua năng lượng thay thế Trung Quốc đối với những đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, qua đó làm giảm sự hợp tác giữa các nước này với Trung Quốc. Theo dự báo được công bố vào quý 1/2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ấn Độ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở mức 25% trong hai thập kỷ tới, vượt qua Liên minh Châu Âu (EU) trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Cụ thể hơn, Ấn Độ dự kiến tiêu thụ năng lượng tăng gần gấp đôi khi GDP của quốc gia này tăng lên ước tính 8.600 tỷ USD vào năm 2040. IEA cho rằng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ sẽ khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, đi ngược với hy vọng của Washington, Ấn Độ gần đây đã tăng cường hợp tác với Nga, một cường quốc khác mà Mỹ đang lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm làm suy yếu Moskva.

Trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ, hai bên đã ký kết 28 thỏa thuận đầu tư trong một loạt lĩnh vực, không chỉ có dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu, thép và đóng tàu, mà còn cả các vấn đề quân sự. Các thỏa thuận quân sự gồm việc Ấn Độ sản xuất ít nhất 600.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov và điều đáng lo ngại hơn nữa đối với Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla tuyên bố rằng hợp đồng năm 2018 liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đang được thực hiện.

Tiếp theo, Ấn Độ đã không bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ hậu thuẫn nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ đã không áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga theo lời kêu gọi của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman thậm chí còn phát biểu rằng với năng lượng giá rẻ của Nga, Ấn Độ nên tăng cường mua vì nó cần thiết cho nhu cầu của nước này.

Chiến thuật mới nhất của Washington dường như là muốn thuyết phục New Delhi rằng Moskva không còn là một đối tác an ninh đáng tin cậy. Thông điệp của Mỹ về quan điểm của Ấn Độ đối với cuộc xung đột ở Ukraine đã trở nên cứng rắn trong những tuần gần đây, khi cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng nếu tiếp tục giao dịch với Moskva.

Mỹ cũng đưa ra tín hiệu mới nhất nhằm thuyết phục Ấn Độ nên suy nghĩ lại về mối quan hệ an ninh lâu dài với Nga: Tại New Delhi trong tháng này, quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh cho biết Ấn Độ không tin vào sự hỗ trợ của Nga nếu Trung Quốc tiến hành một hành động khiêu khích ở biên giới của Ấn Độ trong thời gian tới. Mỹ cho rằng Ấn Độ không thể dựa vào sự hỗ trợ của Nga, đặc biệt là vì cuộc xung đột Ukraine đã khiến Moskva xích lại gần Bắc Kinh hơn.

Tóm lại, bất chấp sự lôi kéo từ Mỹ, New Delhi vẫn duy trì mối quan hệ đối tác truyền thống với Moskva. Yếu tố này vẫn là một thách thức đối với mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ trong thời gian tới.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Oilprice/FP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hop-tac-nga-an-kim-ham-chien-luoc-dia-chinh-tri-cua-my-20220413154044411.htm
Zalo