Hợp tác công - tư để thêm sức cho di sản văn hóa
Mỗi di sản, di vật văn hóa, cả công lẫn tư, đều cần được trao thêm cơ hội, tạo không gian trưng bày để kể những câu chuyện về mình.

Cổ vật Tây Nguyên đã có cơ hội kể những câu chuyện của mình tại Thiên đường Tây Nguyên năm 2023
Thực tế, công tác sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng các cổ vật văn hóa vẫn tiếp tục được những bảo tàng công lập, cũng như các nhà sưu tập tư nhân triển khai thực hiện hàng ngày, góp phần lan tỏa những giá trị hữu ích của cổ vật đến cộng đồng. Bảo tàng công lập, với nguồn lực Nhà nước cùng năng lực của đội ngũ chuyên môn, đang có nhiều ưu thế trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị: lịch sử, văn hóa, giáo dục, du lịch... thông qua những hoạt động nghiệp vụ bảo tàng. Bên cạnh đó, các bộ sưu tập cổ vật của những nhà sưu tập cổ vật tư nhân, với số lượng hiện vật phong phú, chính là những mảnh ghép chất lượng, bổ sung cho hệ thống bảo tàng công lập, tạo thêm các điểm đến văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách đến trải nghiệm, thưởng lãm những di sản, di vật văn hóa vô cùng quý giá mà lớp lớp tiền nhân đã sáng tạo nên.
Ông Đặng Minh Tâm - nhà sưu tập cổ vật văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, cho rằng, ẩn đằng sau mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa. Mỗi cái ná, chiêng, ché, xà gạc... không chỉ là kỷ niệm riêng của nhà sưu tập, còn đựng chứa rất nhiều giá trị tinh thần: Cách thức chế tạo, công dụng thường ngày, tính thiêng ẩn bên trong hiện vật. “Ta cũng có thể đọc được các mã văn hóa tộc người thông qua các cổ vật, từ đó hiểu thêm những nét độc đáo trong phong tục của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Thuần phác mà sâu sắc vô cùng!”, nhà sưu tập cổ vật văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên Đặng Minh Tâm chia sẻ.
Việc có mặt của những bộ sưu tập cổ vật tư nhân như của ông Đặng Minh Tâm đang góp phần lan tỏa các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của cổ vật, tạo nên sự đa dạng trong cách tiếp cận bảo tàng của người dân và du khách. Trao đổi với một số nhà sưu tập cổ vật tư nhân tại Đà Lạt và Bảo Lộc về vấn đề “sao không mở bảo tàng cổ vật tư nhân?”, phần đa trả lời: “Hiện vật thì chúng tôi không thiếu. Đam mê thì chúng tôi có thừa. Nhưng cái chúng tôi thiếu đó là nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực có chuyên môn sâu, kinh phí duy trì hoạt động, cả những chế định của luật pháp...”.
Theo những nhà sưu tập cổ vật tư nhân này, để một bảo tàng cổ vật tư nhân ra đời, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ngoài cơ sở vật chất để lưu giữ, còn phải có kinh phí cho hoạt động giám định của các nhà chuyên môn, kinh phí sưu tầm cổ vật, kinh phí xây dựng không gian trưng bày, kinh phí đầu tư các ứng dụng khoa học - kỹ thuật bảo quản... Do vậy, Nhà nước cần có một quỹ hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân, hoặc các bộ sưu tập tư nhân. Nhà nước cũng cần ban hành chính sách hướng dẫn các đơn vị có nguồn lực tài chính đầu tư, quan tâm các hoạt động văn hóa của các nhà sưu tập cổ vật tư nhân. Các nhà sưu tập cổ vật tư nhân cần được các cơ quan chức năng của Nhà nước hỗ trợ đào tạo chuyên môn, thường xuyên cập nhật thông tin về du lịch, chia sẻ các ứng dụng công nghệ lưu giữ hiện vật... để những bộ sưu tập cổ vật tư nhân phát huy các giá trị di sản văn hóa cổ xưa trong đời sống đương đại, hòa mình cùng dòng chảy phát triển của đất nước.