Bảo tàng Quảng Ninh tiếp nhận viên than luyện có ấn Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hai viên than luyện do ông Vương Hữu Phú, cựu cán bộ ngành than, cùng các cộng sự làm than luyện đã sưu tầm và lưu giữ lại từ năm 1958, trao tặng.

Viên than luyện có khắc 4 chữ viết tắt SFCT. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh Đỗ Quyết Tiến cho biết đơn vị vừa tiếp nhận 2 viên than luyện có giá trị lịch sử đặc biệt, có dấu ấn Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ.
Hai viên than luyện này do gia đình ông Vương Hữu Phú (phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long) trao tặng.
Hiện vật được ông Vương Hữu Phú, cựu cán bộ ngành than, cùng các cộng sự làm than luyện đã sưu tầm và lưu giữ lại từ năm 1958.
Một viên than có kích thước 240x170x140mm, nặng 5,45kg; một viên kích thước 260x160x110mm, nặng 5,65kg. Trong đó, một viên trên bề mặt có khắc chữ SFCT. Đây là tên viết tắt của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Socíeté Francaise des charbonnages du Tonkin), gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Theo các tư liệu lịch sử, ngày 28/4/1888, một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, được giao quyền quản lý, khai thác vùng đất nhượng rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ.
Người Pháp đã nhanh chóng bắt tay xây dựng những công trình hạ tầng, trong đó có nhà điều hành. Đây là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương.
Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ tọa lạc tại số 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, hiện được Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam dùng làm Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh từ nhiều năm nay. Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh vào năm 2021.
Bảo tàng Quảng Ninh tiếp nhận bổ sung hai hiện vật này góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngành công nghiệp than của Quảng Ninh. Việc tiếp nhận 2 viên than cho thấy sự ủng hộ từ cộng đồng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu liên quan đến mảnh đất và con người Quảng Ninh./.