Hợp nhất Hùng - Thục là tất yếu của lịch sử Việt Nam

Kết quả nghiên cứu từ trước tới nay đều nhất trí rằng: Tây Âu và Lạc Việt là hai bộ tộc láng giềng có quan hệ kinh tế, văn hóa mật thiết lâu đời. Đến thời điểm lịch sử thích hợp, hai bộ tộc đã sáp nhập, thống nhất lại trong một quốc gia: Nhà nước Âu Lạc, song về biện pháp hợp nhất thì có nhiều thuyết khác nhau, nhưng tựu trung lại chủ yếu là hai hướng.

Hướng thứ nhất cho rằng, sự hợp nhất Hùng - Thục là một cuộc sắp xếp nội bộ của bộ tộc chứ không phải là một cuộc chiến tranh giữa ngoại tộc, xâm chiếm. Đại diện cho ý kiến này là các nhà khoa học lớn như các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh trong Lịch sử Việt Nam đã khẳng định: Sự thành lập nước Âu Lạc không phải là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính, tiêu diệt, mà là một sự hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Tây Âu cùng Hùng và Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Cũng vì vậy, không những người Tây Âu mà cả người Lạc Việt và con cháu của họ đều coi Thục Phán - An Dương Vương là một vị anh hùng có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Giáo sư Đào Duy Anh trong Cổ sử Việt Nam đưa quan điểm: Sự hợp nhất Hùng - Thục là sự hòa nhập trong hòa bình, tự nguyện. Theo tác giả thì Tây Âu và Lạc Việt là hai nhóm riêng biệt có quan hệ mật thiết láng giềng. Qua cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược, sau đại thắng, Thục Phán được tất cả các tù trưởng ủng hộ, phục tùng, thừa thế lấn át Lạc Vương, ông nắm quyền bính trong tay cả về quân sự và chính trị, đến khi có đủ điều kiện thì thành lập nước riêng, họp các bộ lạc Tây Âu đồng minh với các bộ lạc Lạc Việt thành nước Âu Lạc. Vì vậy, có thể hiểu Âu Lạc = Tây Âu + Lạc Việt. Ông đã lý giải việc An Dương Vương, từ cuộc kháng chiến chống quân Tần được nhân dân sùng bái, “nhân dân xem An Dương Vương là một vị anh hùng kiến quốc, một vị anh hùng dân tộc chân thực... Nếu sự kiến quốc của An Dương Vương chỉ là do sự đánh Hùng Vương diệt Văn Lang như truyền thuyết ghi thì chúng ta rất khó hiểu cái lòng sùng bái có lẫn mến thương của nhân dân”. Và “Tài liệu nói rằng người Việt đã cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để kháng chiến. Chúng tôi đoán rằng người kiệt tuấn ấy tất là An Dương Vương”.

Năm 1969, góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương, Đào Duy Anh một lần nữa khẳng định: Sự hợp nhất giữa nước Nam Cương và Văn Lang - cái tên Âu Lạc lại càng nêu rõ sự hợp nhất bình đẳng giữa hai thành phần Tây Âu (Nam Cương) và Lạc Việt (Văn Lang), không thể là kết quả của một cuộc chiến tranh chinh phục hay tiêu diệt. Và sự hợp nhất Âu - Lạc là do cả 2 bộ tộc cùng đoàn kết chống quân Tần xâm lược.

Nguyễn Duy Hinh trong bài “Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương” cho rằng: “Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Âu Lạc. Tây Âu hay Tây Âu Lạc cũng là một nước của người Lạc Việt do Thục Phán thành lập. An Dương Vương không phải là ngoại tộc, vì thế cuộc chiến tranh giữa Văn Lang và Âu Lạc chỉ là một cuộc nội chiến của nội bộ người Lạc Việt. Và chiến tranh ở thời kỳ này có tác dụng thúc đẩy hình thành những tổ chức xã hội to lớn hơn, ổn định hơn. Do An Dương Vương là người Lạc Việt cho nên xã hội Văn Lang và Âu Lạc không có thay đổi gì do văn hóa của một ngoại tộc đến thống trị gây ra”.

Nguyễn Minh Tường trong bài “Trở lại vấn đề quê gốc của Thục Phán và vị trí nước Thục trong lịch sử” cũng nhận định: Cuộc xung đột Hùng - Thục vào cuối đời Hùng Vương là một cuộc xung đột có tính chất nội bộ trong quốc gia Văn Lang.

Các tác giả Lịch sử Việt Nam giản yếu đồng tình với Đào Duy Anh và khẳng định: Trên phạm vi lãnh thổ nước Văn Lang có nhiều bộ lạc chung sống, trong đó có người Tây Âu sống ở vùng rừng núi và trung du phía Bắc nước Văn Lang, mà trung tâm là Cao Bằng. Người Tây Âu và Lạc Việt từ lâu đã có quan hệ kinh tế - văn hóa gần gũi. Thủ lĩnh của nhóm người Tây Âu sống trên đất Lạc Việt là Thục Phán. Liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng mạnh. Vào cuối thời Hùng Vương, giữa vua Hùng và Thục xảy ra xung đột kéo dài chưa phân thắng bại. Giữa lúc đó, quân Tần kéo đến xâm lược, trước yêu cầu của lịch sử, cuộc xung đột đã kết thúc để đoàn kết chống xâm lược, Thục Phán được cử làm lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi, sau đó Thục Phán được vua Hùng nhường ngôi.

Di tích lịch sử Đền Hùng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh Thế Vĩnh

Di tích lịch sử Đền Hùng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh Thế Vĩnh

Hướng thứ hai cho rằng, sự hợp nhất Hùng - Thục là kết quả của một cuộc chiến tranh lâu dài, nhiều đời của bộ tộc Thục với bộ tộc Văn Lang; cuối cùng Thục Vương đã chiến thắng.

Sách của các nhà Nho không nhắc nhiều đến cuộc chiến tranh giữa Hùng - Thục, chỉ điểm qua rất sơ lược bằng vài câu như: “Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc”. Trước kia vua đã nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: “Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư”? Rồi Hùng Vương không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.

Sách vở Trung Quốc đều ghi nhận cuộc chiến tranh của con vua Thục (Thục Vương tử) với Văn Lang, việc thành lập nước Âu Lạc với quốc đô ở vùng Phong Khê và đưa ra nguyên nhân Thục Phán đem quân đánh Văn Lang chỉ vì việc cầu hôn không thành.

Quan điểm cho sự hợp nhất Hùng - Thục kết thúc bằng một cuộc chiến tranh được truyền thuyết, thần tích tại các làng vùng Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy, Cẩm Khê (Phú Thọ) phản ánh và được một số nhà khoa học đồng tình. Tác giả Nguyễn Lộc trong bài: “Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ Hùng Vương và Thục Vương” đã nhận xét: Cuộc chiến tranh Hùng - Thục là một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và gay go, quyết liệt. Tuy nhiên, tác giả cũng thấy có nhiều điểm mâu thuẫn trong mối quan hệ Hùng - Thục mà thần tích phản ánh, đặc biệt là thái độ của nhân dân đối với Thục Phán - An Dương Vương.

Có nhiều chi tiết công nhận Thục chủ cũng trong tôn phái vua Hùng, làm phụ đạo một bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang. Tuy lúc đầu, vua Hùng có đánh nhau với họ Thục, nhưng sau đấy thì hoặc là do Thục chủ cầu hòa, hoặc là do vua Hùng nghe lời khuyên của con rể là Tản Viên mà nhường ngôi cho họ Thục. Sau khi được nhường ngôi, Thục chủ lên ngôi vương. Không thấy có hành động trả thù họ Hùng mà lại lập đền thờ các vua Hùng và tướng lĩnh của vua Hùng. Không những chỉ thờ phụng mà lại còn có những lời thề nguyện thống thiết, tỏ quyết tâm gìn giữ giang sơn mà vua Hùng trao cho và coi đó là trọng trách, là vinh dự của mình. Cuối cùng, Thục Vương và tướng lĩnh của ông được nhân dân biểu dương trong các truyền thuyết, thần tích, lập đình miếu thờ cúng, được coi như một vị thần có công với nước.

Đối với quan niệm của dân gian cũng phản ánh khá rõ nét. Trong cuốn Nam Việt Hùng Vương ngọc phả thì: “… Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con là Kinh Vương, trị vì được 6 năm (Hùng Kinh Vương) chết… lại truyền cho con rể là Tản Viên làm hiền quân được 10 năm, bèn nhường ngôi cho Thục An Dương Vương cũng là cháu họ trong tôn phái họ Hùng ngày trước”…

Một số thần tích và truyền thuyết dân gian ở Lân Thượng (Việt Trì) đền Mẫu Thọ (Tam Nông), đình Hạ Khê (Cấm Khê)… cho rằng, sau nhiều cuộc xung đột, cuối cùng Hùng Vương theo lời khuyên của con rể là Thánh Tản Viên đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương. Trước đền Thượng có “hòn đá thề”, tương truyền là nơi Thục Phán cắt máu, vạch đá ăn thề, nguyện đời đời phụng thờ Hùng Vương.

Như vậy, dưới con mắt của nhân dân ta mà truyền thuyết, thần tích phản ánh, thì sự mâu thuẫn trong mối quan hệ Hùng - Thục cũng chỉ là mâu thuẫn tạm thời và nhỏ bé. Còn bước tiến từ họ Hùng đến họ Thục là bước tiến từ nước Văn Lang đến nước Âu Lạc, đánh dấu sự tập hợp ngày càng rộng lớn hơn của những cộng đồng người nhỏ (bộ lạc, bộ tộc) gần gũi nhau về nhiều mặt thành một cộng đồng lớn hơn, tiến tới hình thành một “nhà nước” có cương vực lớn hơn, có các cơ cấu hoàn chỉnh hơn, để đáp ứng với yêu cầu của tình thế lúc đó là: chống quân ngoại xâm và phát triển sản xuất.

Sự thành lập nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, có kế tục và cao hơn nước Văn Lang và Thục Phán - An Dương Vương đã có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, được nhân dân ta xem như là một vị anh hùng dân tộc.

Sau khi lên ngôi vua, Thục Phán - An Dương Vương rời đô từ vùng trung du của nước Văn Lang - Hùng Vương đến Phong Khê ở vùng đồng bằng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

Tuy thời gian trị vì đất nước của An Dương Vương chỉ trong khoảng nửa thế kỷ, nhưng ông đã để lại những dấu ấn sáng chói trong lịch sử Việt Nam. Những giá trị về lịch sử, quân sự, văn hóa tư tưởng… trở thành bảo bối giữ nước và dựng nước trong suốt mấy nghìn năm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hop-nhat-hung-thuc-la-tat-yeu-cua-lich-su-viet-nam-3177042.html
Zalo