Xúc động khi chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức trong dịp Phật đản
Mùa Phật đản Phật lịch 2569, được về Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức với nhiều người đó là những xúc cảm thiêng liêng không thể diễn tả thành lời, khơi gợi ngọn lửa từ bi trở thành bất diệt trong tâm thức của người con Phật.

Đại đức Thích Đức Phúc đến từ Khánh Hòa chiêm bái đảnh lễ xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức
Chạm lại lịch sử
Dừng lại trước những hình ảnh lịch sử năm 1963 thật lâu trong không gian chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, Phật tử Thành Tài (sinh năm 1950) bồi hồi chia sẻ, hình ảnh này làm cho ông nhớ lại giai đoạn lịch sử năm 1963, cảm thấy rất đỗi tự hào khi là một Phật tử, dù lúc đó ông mới chỉ là một học sinh và thỉnh thoảng tham gia phong trào biểu tình của học sinh phản đối chính quyền thời bấy giờ đàn áp Phật giáo.
Năm 1963 khi Hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện vị pháp thiêu thân dù không được tận mắt chứng kiến nhưng cả khu vực Bàn Cờ nơi ông sống khi đó ai cũng biết về sự kiện chấn động này.
Phật tử Thành Tài chia sẻ: “Tăng Ni ở giai đoạn này bị đàn áp quá, lúc đó các thầy đấu tranh bất bạo động nhưng cũng bị đàn áp rất mạnh, thành ra các thầy phải tranh đấu bảo vệ Phật giáo, Phật tử quần chúng rất đoàn kết, sinh viên học sinh xuống đường biểu tình ủng hộ Phật giáo tạo thành một cái lực rất mạnh, đặc biệt đỉnh điểm là sự phát nguyện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức, mà sau này dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Diệm. Sức mạnh của dân tộc, của nhân dân, của quần chúng, Phật tử rất quan trọng”.
Với Phật tử Thành Tài, mùa Phật đản Phật lịch 2569 năm nay thật nhiều ý nghĩa, với niềm hân hoan và xúc động khi được chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự để nhớ lại lịch sử một thời.
“Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng Phật tử phải tìm hiểu giáo lý, những lời dạy của Đức Phật, thực hành để phát triển trí tuệ, từ bi, phá tan vô minh tham ái, làm an lạc cho cuộc đời là rất quan trọng”, Phật tử Thành Tài bày tỏ.

Sư cô Thích nữ Diệu Thiện (người thứ 6 từ màn hình phải vào) cùng chư Ni, Phật tử chùa Phổ Đức, Tiền Giang chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức
Nguyện tiếp nối sự nghiệp mà chư tiền bối đã xây dựng
“Chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức thì tự nhiên trong trái tim mình cảm thấy nghẹn ngào, nhìn thấy những bức ảnh lúc ngài tự thiêu, tự nhiên tôi không kìm được nước mắt, bao nhiêu cảm xúc không thể nào tả được, tự nhiên dâng lên, như trái tim chạm đến trái tim”, Sư cô Thích nữ Diệu Thiện (Tiền Giang) chia sẻ.
Đức Phật ra đời vì lòng từ bi và Bồ-tát thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu cũng vì lòng từ bi, là một Ni trẻ, mùa Phật đản năm nay được chiêm bái xá-lợi Bồ-tát, khi nhìn những bức hình, phim tài liệu ngài tự thiêu chạm đến trái tim người chiêm bái và trái tim của Ngài trở thành bất diệt trong tâm thức của người con Phật.
"Noi tấm gương sáng, một hạnh nguyện của Ngài, mình không làm gì được lớn lao thì làm những cái nhỏ, cố gắng tu tập chuyển hóa mình, lúc nào cũng lấy hình ảnh Trái tim Bồ-tát mang vào tim, tôi luyện mình tu tập, mỗi ngày gột bỏ những tham sân si trong mình để xứng đáng là người đệ tử Phật, xứng đáng với sự hy sinh của Bồ-tát Thích Quảng Đức", Sư cô Thích nữ Diệu Thiện bày tỏ.
Là một người con Phật, đến từ Khánh Hòa, với Đại đức Thích Đức Phúc, hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu in sâu vào trong tim. Mùa Phật đản năm nay, khi được vào đảnh lễ xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức, thầy cho biết đã rất xúc động, vì Hòa thượng đã dành trọn hết cuộc đời mình cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Ngài đã vị pháp thiêu thân để bảo vệ Phật pháp được trường tồn.
Đại đức bày tỏ qua hạnh nguyện tu học hành đạo của Bồ-tát, sự tu học hành đạo của Ngài rất nghiêm mật, với hàng hậu học, Ngài là tấm gương sáng ngời.
“Nguyện tiếp nối ngọn lửa Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức để bảo vệ Phật pháp trường tồn, làm gì, tu như thế nào, cũng nghĩ mình là con của Phật, là đệ tử của các bậc tiền bối hữu công để mình tiếp nối sự nghiệp mà chư vị đã xây dựng nên và ngày càng phát triển rạng rỡ hơn”, Đại đức Thích Đức Phúc tâm niệm khi chiêm bái xá-lợi Bồ-tát.

Chị Mỹ Hoàn xúc động khi chiêm bái xá-lợi Bồ-tát Thích Quảng Đức
Những bài học từ ngày hôm qua
Vừa có nhân duyên được phụng sự Đại lễ Vesak 2025, nhân duyên chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức, chị Mỹ Hoàn (sinh năm 1978) bày tỏ không hiểu vì sao khi bước vào không gian chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát thì chị cảm xúc nước mắt cứ tuôn trào.
Chị Mỹ Hoàn bày tỏ nếu mình sơ ý chỉ bỏng tay một xíu thì cảm thấy đau xé ruột, mà Ngài phát nguyện tự thiêu để bảo vệ Phật pháp, sự hy sinh của Ngài quá lớn. Chị biết ơn khi đất nước lại có một vị Bồ-tát vị pháp thiêu thân, thức tỉnh lương tri của nhân loại, xóa tan những tham sân và vô minh. Chị Mỹ Hoàn chia sẻ: “Qua chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát tôi cũng chưa dám phát nguyện gì, nhưng với tâm nguyện mỗi lần trải qua chuyện gì thì mình cũng cố gắng học hỏi kiềm chế bớt những tham sân si của mình, cố gắng sống dung hòa, hóa giải những hận thù, hướng đến cộng đồng, lan tỏa giá trị hòa bình, an lành”.
Làm lĩnh vực giáo dục, chị Chương Đài (sinh năm 1972) chia sẻ khi được chiêm bái xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức bày tỏ rất cảm động, rất biết ơn Ban Tổ chức có buổi chiêm bái như vầy để người dân toàn nước Việt Nam và thế giới được đến đây.
“Được đảnh lễ xá-lợi Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức, tôi cảm thấy giống như đang được sống trong những giai đoạn lịch sử năm 1963 và rất là cảm động. Cuộc đời Ngài là sự bất khuất của một người rất yêu đạo, yêu nước, để giữ gìn Phật giáo được trường tồn. Bồ-tát đã nguyện hy sinh thân mình, để dạy những thế hệ tiếp nối rằng chỉ có tình thương rộng khắp, mới vượt lên trên những khổ đau bất tận”, chị Chương Đài bày tỏ.