Cần có cơ chế điều phối hiệu quả gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng
Các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực hưởng ứng và cam kết tham gia, tuy nhiên, bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.
Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khi thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi 500 nghìn tỷ đồng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra chiều nay 6/5.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 29/3, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế triển khai gói tín dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD. Đây là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ, hai lĩnh vực nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Nhận thức rõ tầm quan trọng và sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xác định rõ đây không đơn thuần là một chính sách tín dụng mà là một công cụ điều hành vĩ mô quan trọng, nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng trọng điểm và công nghệ số. Đây cũng là tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong tương lai gần.
Ngay trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc trực tiếp với 21 NHTM để bàn phương án triển khai gói tín dụng này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được xác định là lực lượng chủ lực, mỗi ngân hàng đăng ký tham gia với mức 60 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20 nghìn tỷ đồng/ngân hàng và 5 NHTM quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4 nghìn tỷ đồng/ngân hàng.
Gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng sẽ tập trung ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hai lĩnh vực: cơ sở hạ tầng và công nghệ. Đặc biệt, các dự án trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh… sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại. Đồng thời, thời gian ưu đãi lãi suất được kéo dài tối thiểu 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả.
Một điểm đáng chú ý là gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng sẽ hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hay vốn vay nước ngoài. Thay vào đó, các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng nguồn lực huy động của mình để cấp tín dụng, trên cơ sở cơ cấu lại vốn vay, kéo dài thời gian cho vay, cũng như đồng tài trợ cho các dự án lớn. Với hình thức này, gói tín dụng không chỉ đảm bảo tính linh hoạt mà còn giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hai vấn đề trọng tâm cần làm rõ trước khi giải ngân gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng một cách rộng rãi.
Thứ nhất, mặc dù nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ là rất lớn, nhưng cần xác định rõ đối tượng cụ thể nào sẽ được ưu tiên vay vốn. Việc phân bổ cần bám sát chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm không dàn trải, tránh trùng lắp, cũng như bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Bởi vì, trên thực tế, trong hàng trăm nghìn dự án, không phải dự án nào cũng phù hợp hoặc cấp thiết để được hỗ trợ.
Thứ hai, vấn đề về cân đối vốn vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng cũng là thách thức không nhỏ. Thực tế hiện nay, các NHTM chủ yếu huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên bài toán bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống được đặt ra một cách cấp thiết. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng rà soát, xác định rõ các dự án trọng điểm, các nhóm doanh nghiệp thực sự cần được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này.
Việc cho vay các dự án cơ sở hạ tầng có thời hạn từ 5 đến 10 năm đòi hỏi phải có sự điều phối linh hoạt, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn hệ thống tín dụng. Đây chính là lý do Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đề nghị các bộ, ngành sớm có văn bản xác định cụ thể danh mục dự án, ngành nghề và đối tượng ưu tiên, nhằm giúp các ngân hàng yên tâm trong việc triển khai, giảm thiểu rủi ro thanh khoản.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong tháng 5 này, Ngân hàng Nhà nước và các NHTM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các bước chuẩn bị, sớm đưa gói tín dụng đi vào thực tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng thể hiện rõ định hướng điều hành linh hoạt và chủ động của Chính phủ. Việc xác định đúng đối tượng, triển khai đúng thời điểm và phân bổ nguồn vốn hiệu quả sẽ là điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu kép: vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô.
Theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực làm việc với các NHTM và đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ về gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng. Các NHTM tích cực hưởng ứng cam kết tham gia, tuy nhiên, bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.
Do đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp làm rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa, xác định chính xác các đối tượng, phạm vi, kế hoạch đầu tư rõ ràng, ít nhất là cần có dữ liệu ước tính gần với thực tế, từ đó Ngân hàng Nhà nước cũng như các NHTM mới có thể tính toán cân đối nguồn vốn, bảo đảm gói tín dụng đi đúng hướng.