Sản phẩm OCOP của Côn Đảo phải mang đặt trưng rừng - biển

Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, phát triển sản phẩm OCOP không chỉ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là kênh quảng bá văn hóa, du lịch địa phương. Hiện tại, huyện đã có 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: bánh quy hạt bàng, mực một nắng, cá thu một nắng và đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận thêm 1 sản phẩm mới trong năm 2025.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có

Anh Nguyễn Hoài Hận, 35 tuổi, chia sẻ, năm 2011 anh rời quê hương Hậu Giang đến Côn Đảo lập nghiệp. Sau thời gian dài ở đảo, anh về lại đất liền học thêm nghề bếp. Đến năm 2019 anh Hận trở lại Côn Đảo và được nhận làm Trưởng bếp bánh ở một khách sạn trên địa bàn.

Theo anh Hận, hạt bàng ở Côn Đảo rất nhiều, tuy nhiên người dân mới chỉ tận dụng làm mứt đơn thuần để bán cho người dân, du khách mỗi khi đến đảo, sản phầm từ hạt bàng không đa dạng và không có gì riêng biệt.

Sản phẩm OCOP được chế biến từ hạt bàng ở Côn Đảo được du khách ưa chuộng

Sản phẩm OCOP được chế biến từ hạt bàng ở Côn Đảo được du khách ưa chuộng

Là người chuyên nghiên cứu về bánh, năm 2020 anh Hận thu mua hạt bàng của người dân trên đảo để chế biến thành bánh quy hạt bàng. Sản phẩm bánh quy hạt bàng chỉ có mặt ở lễ tân, phòng nghỉ tại các khách sạn trên đảo, để khi khách đến check-in, nhận phòng có thể dùng thử như gửi lời chào đến khách hàng (wellcom) bằng sản phẩm đặc trưng của Côn Đảo.

Và phần lớn du khách đón nhận món bánh có vị hương vị đặc biệt, mẫu mã ấn tượng này nên có khách vừa ăn tại chỗ vừa hỏi mua mang về.

Nắm bắt nhu cầu trên, anh Hận quyết định thành lập cơ sở sản xuất bánh quy hạt bàng HANI BAKERY (đường Nguyễn Duy Trinh, khu 5, huyện Côn Đảo) và đa dạng sản phẩm như: bánh quy nhân hạt bàng vị socola, vị truyền thống, mứt hạt bàng…Các sản phẩm từ hạt bàng của cơ sở được nhiều cơ quan, trường học, người dân và du khách đón nhận, mua về làm quà.

Cơ sở sản xuất bánh HANI BAKERY với hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng tiêu chí để đạt OCOP 4 sao

Cơ sở sản xuất bánh HANI BAKERY với hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng tiêu chí để đạt OCOP 4 sao

Cơ sở trang bị máy móc làm bánh theo quy chuẩn hiện đại, nhãn mác được đăng ký… Giai đoạn 2022-2023 sản phẩm bánh quy hạt bàng của HANI BAKERY được bình chọn là sản phẩm nông thông tiêu biểu và OCOP 3 sao. Đến nay, trung bình mỗi ngày cơ sở tiêu thụ hơn 30 kg bánh thành phẩm các loại, tăng cấp 3 lần so với ngày mới sản xuất.

Anh Hận trăn trở, do sức tiêu thụ ngày tăng cao nên dự đoán trong thời gian tới lượng nguyên liệu (hạt bàng) sẽ không đủ để sản xuất và anh đang tìm cách khắc phục.

"Nguồn nguyên liệu là một trăn trở của cơ sở. Hiện cơ sở đã liện hệ những người làm vệ sinh đường phố, trường học thu mua hạt bàng về dự trữ trước. Liên hệ với các hòn quanh đảo (Bảy Cạnh) thu mua trái bàng thô về tự xử lý, nếu tự thu mua hạt bàng tách sẵn thì hiện nay là rất khó. Mong muốn chính quyền huyện Côn Đảo hỗ trợ về truyền thông để tiếp cận khách hàng nhiều hơn", anh Hận chia sẻ.

Hai sản phẩm OCOP sản phẩm “Cá Thu một nắng Côn Đảo” và “Mực một nắng Côn Đảo” cũng ra đời và được công nhận từ chính đời sống sản xuất của người dân Côn Đảo.

Cá thu một nắng Côn Đảo là sản phẩm OCOP 3 sao được du khách khắp nơi tin tưởng

Cá thu một nắng Côn Đảo là sản phẩm OCOP 3 sao được du khách khắp nơi tin tưởng

Chị Hoàng Thị Dung, chủ cơ sở kinh doanh Phúc Tường, có 2 sản phẩm OCOP này kể, cha chị là người có hơn 30 năm làm nghề biển, kinh nghiệm bám biển nên việc lựa chọn con tôm, mực, cá tươi ngon được truyền dạy qua nhiều thế hệ trong gia đình.

Năm 2005, chị Dung bắt đầu thu mua hải sản từ các tàu đánh bắt xa bờ rồi bán lại cho người dân trên đảo, sau đó đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước.

Năm 2011, cơ sở kinh doanh Phúc Tường được thành lập với định hướng khai thác và phát triển nguồn hải sản địa phương bền vững, đồng thời cung cấp thực phẩm chất lượng, an toàn đối với người tiêu dùng và du khách tại Côn Đảo.

Đến nay, sản phẩm cá thu một nắng Côn Đảo đã được người tiêu dùng nhiều tỉnh thành cả nước biết đến, tiêu thụ từ 500-700 kg/tháng

Đến nay, sản phẩm cá thu một nắng Côn Đảo đã được người tiêu dùng nhiều tỉnh thành cả nước biết đến, tiêu thụ từ 500-700 kg/tháng

Đến năm 2020, sản phẩm “Cá Thu một nắng Côn Đảo” và “Mực một nắng Côn Đảo” của cơ sở này được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu và năm 2024 được chứng nhận OCOP 3 sao.

Chị Dung chia sẻ, đến nay sản phẩm cá thu một nắng tiêu thụ từ 500-700 kg/tháng, mực một nắng khoảng hơn 1 tấn/tháng, tăng từ 30-40% so với trước khi đạt chứng nhận OCOP.

Thời gian tới huyện Côn Đảo sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh đầu tư hệ thống bảo quản, sơ chế thay cho phương pháp truyền thống

Thời gian tới huyện Côn Đảo sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh đầu tư hệ thống bảo quản, sơ chế thay cho phương pháp truyền thống

"Cơ sở sẽ cố gắng nâng cấp sản phẩm cá thu một nắng và mục một nắng Côn Đảo lên 4 sao và cam kết phải giữ vẫn chất lượng. Để đạt được mục tiêu này, cơ sở phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất, chế biến quy mô, quy trình đúng với tiêu chuẩn 4 sao. Hiện nay, cơ sở chưa có nhà xưởng, chỉ sản xuất thủ công và sân phơi trước nhà", chị Hoàng Thị Dung cho biết thêm.

Sản phẩm phải có lợi thế đặc trưng

Theo lãnh đạo huyện Côn Đảo, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, gắn với lợi thế đặc trưng của địa phương.

Cụ thể, Côn Đảo sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu hạt bàng cung cấp cho cơ sở sản xuất, phát triển nuôi hàu, hỗ trợ máy móc sơ chế cho các cơ sở sản xuất mắm truyền thống…

Bên cạnh đó, địa phương sẽ thực hiện đẩy mạnh kết nối thị trường, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, hợp tác với chuỗi nhà hàng tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác, tăng cường tham gia các hội chợ OCOP .

Ông Lê Anh Tú, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết, địa phương sẽ đưa sản phẩm OCOP vào các làng nghề để phát triển du lịch, xây dựng mô hình tham quan vườn bàng, trải nghiệm sản xuất mắm hàu tại cánh đồng hàu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trong du lịch.

Huyện Côn Đảo xác định, sản phẩm OCOP của địa phương sẽ nâng cao giá trị trong phát triển su lịch

Huyện Côn Đảo xác định, sản phẩm OCOP của địa phương sẽ nâng cao giá trị trong phát triển su lịch

Ông Tú chi sẻ, Côn Đảo phấn đấu có 10-15 sản phẩm OCOP mới, nâng cấp sản phẩm hiện hữu lên OCOP 4 sao, từng bước khẳng định thương hiệu OCOP Côn Đảo trên thị trường trong và ngoài nước.

"Côn Đảo xác định, sản phẩm OCOP không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho địa phương mà còn nâng cao việc quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương. Do vậy, trong nhiệm ký tới, Côn Đảo sẽ phát triển nhiều sản phẩm OCOP mới như: phát triển kẹo hạt bàng, nước ép rong biển, trà thảo mộc địa phương mang phong cách “nghệ nhân đảo”… các sản phẩm trên sẽ trở thành quà lưu niệm cho du khách mỗi khi đến tham tham quan, du lịch tại đảo", ông Tú nhấn mạnh.

Sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ là đặc sản được du khách trong và ngoài nước biết đến

Sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ là đặc sản được du khách trong và ngoài nước biết đến

Côn Đảo hiện là địa phương có ít sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, song Côn Đảo đang có bước đi vững chắc trong xây dựng, hình thành sản phẩm. Dựa vào lợi thế rừng và biển, trong tương lai, sản phẩm OCOP của Côn Đảo sẽ có đặc trưng của riêng mình, hứa hẹn sẽ là đặc sản được du khách trong và ngoài nước khi đến với hòn đảo xinh dẹp, hoang sơ bậc nhất Đông Nam Á này.

Lưu Sơn/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-pham-ocop-cua-con-dao-phai-mang-dat-trung-rung-bien-post1197501.vov
Zalo