ĐBQH: Mua phải hàng giả, người dân phải được bồi thường

Sản phẩm được Nhà nước bảo đảm an toàn nhưng cuối cùng người dân vẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng không được bồi thường?

Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) tại phiên thảo luận tổ về các dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) diễn ra chiều 6/5.

Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Lan cho biết, hiện nay hầu hết thực phẩm đều tự công bố, chỉ những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe mới làm thủ tục công bố.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

“Tuy nhiên cả sản phẩm công bố hay tự công bố đều trên giấy tờ, nếu không hậu kiểm tương xứng sẽ giống "xua gà ra đuổi", không thể đảm bảo chất lượng các sản phẩm sẽ đạt yêu cầu. Do đó luật phải quy định rõ về việc tiền kiểm, hậu kiểm, trong đó quy định rõ tần suất, tỉ lệ sản phẩm, quy trình, thời gian kiểm tra...", đại biểu Lan nói.

Bên cạnh đó, bà Lan kiến nghị, có thể quy định cơ chế xã hội hóa để các cơ quan có năng lực kiểm định độc lập cùng tham gia kiểm tra…

“Hàng hóa ở các nước chỉ đi về hệ thống duy nhất là siêu thị. Một con heo từ lò mổ có mã vạch, nhãn chỉ đi qua siêu thị đến người dùng nên dễ truy xuất nguồn gốc. Còn ở Việt Nam, không chỉ chợ truyền thống, còn những chợ tự phát, nên con heo xả đi rồi biết có cùng nguồn gốc hay không, việc truy xuất do vậy rất nhiều khó khăn”, bà Lan nêu dẫn chứng.

Dẫn ví dụ từ TP.HCM, bà Lan cho biết, hiện thành phố có 300.000 sản phẩm hàng hóa, nếu muốn kiểm tra hết làm bao nhiệm kỳ cho vừa. Đặc biệt, đại biểu Lan đề nghị nghiên cứu, quy định rõ ràng về bồi thường thiệt hại nếu người dân tiêu thụ phải sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng.

"Chúng ta có luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có nghĩa nếu ai vi phạm luật sẽ bị phạt. Vậy những người bị thiệt thì sao?, Nếu sản phẩm này Nhà nước đứng ra đảm bảo an toàn, cuối cùng nó vẫn là đồ giả, đồ kém chất lượng thì người dân phải được bồi thường. Có như vậy người dân đỡ thiệt thòi hơn và người ta có động lực để tố giác, còn hiện nay toàn ngậm đắng nuốt cay vì những sản phẩm mà lẽ ra được pháp luật bảo vệ", bà Lan chia sẻ.

Về công nghệ, đại biểu Lan cho biết, TP.HCM đã thử nghiệm công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc – từ “trang trại đến bàn ăn”. Nhưng thực tế vẫn rất khó vì hệ thống sản xuất manh mún, chợ truyền thống vẫn tồn tại song song với siêu thị, chưa kể “chợ trời”. Một khi con heo đã bị “xẻ thịt”, thì chẳng ai biết trước đó nó từ đâu ra. Tuy vậy, có công nghệ vẫn tốt hơn là kiểm tra bằng mắt thường, đóng mộc mực tím như xưa.

“Cho nên, trong luật nên có định hướng rõ ràng: bao nhiêu % sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, tiến tới 100% – không thể chỉ nói khơi khơi là “phải truy xuất nguồn gốc”, rồi bằng cách nào cũng được”, đại biểu Lan nhấn mạnh.

Phạm Duy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dbqh-mua-phai-hang-gia-nguoi-dan-phai-duoc-boi-thuong-ar941797.html
Zalo