Hơn 54 triệu khách Thủ đô đi xe buýt
Trong quý I/2025 đã có trên 54 triệu hành khách đi xe buýt của Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), chiếm trên 56% sản lượng khách toàn mạng buýt thành phố. Cũng trong 3 tháng đầu năm, lần đầu tiên Transerco đưa vào vận hành các tuyến buýt điện để từng bước thực hiện lộ trình 'xanh hóa' mạng xe buýt.
Ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Transerco cho biết, trong quý I/2025, Tổng Công ty đã điều chỉnh biểu đồ vận hành 13 tuyến xe buýt phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, điều chỉnh biểu đồ 3 tuyến, hợp lý hóa luồng tuyến 13 tuyến xe buýt, tham mưu, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tổ chức lại 02 nhánh tuyến không hiệu quả, đưa vào vận hành 3 tuyến buýt điện đầu tiên tại Tổng công ty.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (người giơ tay) trải nghiệm và nói chuyện với quan khách cùng tham dự trên xe buýt điện của Tranaserco trong ngày khai trương tháng 1/2025
Đánh giá kết quả hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, lãnh đạo Transerco cho biết, trong 3 tháng đầu năm đơn vị đã vận hành 792.000 lượt xe, phục vụ trên 54 triệu lượt hành khách, chiếm trên 56% sản lượng khách toàn mạng, trong đó sản lượng vé lượt ước đạt 5 triệu lượt, bằng 88,9% kế hoạch.
Ngoài ra, lãnh đạo Transerco cho hay, để chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, sớm hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi, Tổng công ty và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết Biên bản ghi nhớ, qua đó BIDV cam kết đồng hành cùng Transerco trong hành trình chuyển đổi xanh.
Bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, Tổng công ty đang từng bước đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt, tiếp nhận, xử lý, quản lý thông tin trên các nền tảng ứng dụng và tổng hợp số liệu theo yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ AI không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho hành khách.
Phát triển buýt: Trọng tâm là chuyển đổi xanh
Triển khai kế hoạch chuyển đổi phương tiện theo lộ trình của “Đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, tháng 1/2025, Transerco đã tổ chức khai trương 3 tuyến buýt số 05, 39, 47 thí điểm sử dụng phương tiện năng lượng điện.

Hành khách di chuyển trên xe buýt điện của Transerco
Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam cho biết: Với vai trò của một đơn vị chủ lực trong lĩnh vực vận tải công cộng tại Thủ đô, Tổng Công ty đã nỗ lực triển khai thực hiện dự án chuyển đổi xe buýt điện đầu tiên trên 3 tuyến xe buýt theo chủ trương của thành phố trong thời gian ngắn nhất. “Trải qua những khó khăn từ việc nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ mới, đến đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện, Tổng Công ty đã hoàn thành công tác chuẩn bị đưa 46 xe buýt điện vào hoạt động. Đây là tiền đề để Tổng công ty Vận tải Hà Nội triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi phương tiện với mong muốn góp sức vào công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của Thành phố” - ông Nam nói.
Theo lãnh đạo Transerco, các tuyến buýt điện có lộ trình, bao gồm: Tuyến số 05 có lộ trình Mai Động - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; tuyến buýt số 47, gồm 2 nhánh tuyến 47A và 47B, nhánh tuyến 47A có lộ trình Long Biên - Bát Tràng; tuyến 47B có lộ trình đại học Kinh tế Quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm). “Sau ba tháng hoạt động đầu tiên, các tuyến xe buýt điện đã ghi nhận những kết quả tích cực, tăng trưởng cả về sản lượng hành khách vận chuyển và doanh thu so với cùng kỳ năm trước, tạo ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng, đánh giá cao từ phía người dân” - lãnh đạo Transerco thông tin.

Xe buýt điện đang mang lại nhiều thay đổi cho vận tải công cộng Hà Nội
Đánh giá về việc Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã đưa 3 tuyến buýt điện đầu tiên vào hoạt động tại đơn vị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển của Thủ đô. Do vậy, UBND thành phố đã sớm phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng trong giai đoạn mới, trong đó đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 toàn bộ tuyến, phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố sẽ được thay thế, chuyển sang phương tiện xanh, sạch và không xả khói.
“Việc hôm nay thành phố đã chấp thuận của các đơn vị vận hành buýt, trong đó có Tổng Cty Vận tải Hà Nội đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, trong thời gian ngắn đã mua sắm 46 xe buýt chạy bằng động cơ điện để thay thế đoàn phương tiện trên 3 tuyến buýt đang sử dụng là xe chạy dầu” - ông Quyền nói.
Để việc toàn bộ xe buýt chạy bằng nhiên liệu xanh, sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội vào năm 2030 được diễn ra thuận lợi, đạt được mục tiêu đề ra, ông Quyền giao Sở GTVT sớm tham mưu UBND thành phố cơ chế, chính sách, đơn giá về mua sắm, vận hành xe buýt điện để UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua, làm cơ sở phát triển xe buýt điện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.