Nền tảng để phát triển bền vững
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (ĐMST&CĐS) quốc gia đã xác định phát triển KHCN, ĐMST&CĐS là yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST&CĐS trên tất cả các lĩnh vực.
Kết quả tích cực
Với phương châm: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST&CĐS", những năm qua, việc ứng dụng KHCN, thúc đẩy ĐMST&CĐS được tỉnh chú trọng thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức gắn biển Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với phần mềm “Nền tảng quản trị tổng thể”. Ảnh: BÁ SƠN
Tỉnh đã tăng cường đầu tư hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, an toàn thông tin mạng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, vận hành 3 hệ thống trung tâm dữ liệu tỉnh với gần 60 ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành; 100% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử - VNeID. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2024 tiếp tục tăng, cấp tỉnh đạt khoảng 80%, cấp huyện đạt khoảng 64%, cấp xã đạt hơn 96%.
Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại hơn 1.500 cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của các sở, ban, ngành đạt hơn 99,3%, cấp huyện đạt hơn 87,8%, cấp xã đạt hơn 75%; có trên 95% văn bản được ký số khi phát hành văn bản điện tử. Toàn tỉnh có 100% thôn, tổ dân phố phủ sóng mạng di động và Internet.
Đặc biệt, trong năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án 06 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã hoàn thành 24/29 nhiệm vụ, 5/29 nhiệm vụ đang triển khai. Có 208/208 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã và ngoài công lập triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID trong khám, chữa bệnh BHYT. Việc chi trả lương không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đạt gần 62%.
Trong quý I/2025, Quảng Ngãi xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Chỉ số thành phần số hóa hồ sơ của tỉnh xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm sạch dữ liệu phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, tập trung cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân đủ điều kiện... Đến nay, Công an tỉnh đã làm sạch hơn 606 nghìn dữ liệu quốc gia về dân cư; thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt hơn 83,6%/tổng số công dân đã có thẻ CCCD, căn cước và đã kích hoạt gần 92%.
Theo Thượng tá Lương Việt Long - Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh), CĐS là công cụ hiệu quả nhất để nâng cao hiệu suất làm việc và thước đo đánh giá chất lượng cán bộ hiện nay. Do đó, thời gian qua, Công an tỉnh luôn chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nỗ lực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong thực hiện Đề án 06. Điển hình như vừa qua, ngay sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khi không tổ chức công an cấp huyện, đội ngũ cán bộ chuyên trách của Phòng Tham mưu cũng hoàn thành việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng phần mềm “Hệ thống thông tin, chỉ huy từ công an cấp tỉnh đến công an cấp xã”. Đây là phần mềm được cài đặt trên nền tảng mạng BCAnet có bảo mật, được thiết kế hiện đại với ngôn ngữ lập trình mở, dễ dàng chỉnh sửa, nâng cấp với chức năng tự động hóa cập nhật. Đồng thời, dễ dàng quản lý, kiểm tra sổ trực ban của công an cấp tỉnh, các phòng và công an cấp xã; tự động phân các ca trực; quản lý vụ việc; kiểm tra, quản lý, nhắc các đơn vị chấp hành chế độ báo cáo, thống kê.
Sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng số, nền tảng số dùng chung, dữ liệu số chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chuyên trách về KHCN và CĐS ở địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế, chính sách để thử nghiệm, hỗ trợ, nhân rộng các sáng kiến đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách mạnh mẽ mang tính chiến lược, cách mạng về KHCN, ĐMST&CĐS.

Công an tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quốc Huy Hoàng nhận định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn, kiến tạo một hệ sinh thái phát triển trên nền tảng tri thức, công nghệ và dữ liệu. Qua đó, khắc phục những tồn đọng, hạn chế, thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST&CĐS toàn diện trên mọi lĩnh vực. "Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành Trung tâm Dữ liệu tỉnh. Tiếp tục đào tạo, phổ cập nâng cao kiến thức, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST&CĐS, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết 57", ông Hoàng nhấn mạnh.
Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương đưa Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS và Đề án 06; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 57. Đồng thời, xác định từng bước đi, giải pháp, lượng hóa các mục tiêu, chỉ tiêu để thực hiện. Các chương trình, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mục đích đưa phát triển KHCN, ĐMST&CĐS từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; là động lực đóng góp tích cực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bằng quyết tâm chính trị cao và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, Quảng Ngãi đang đặt nền móng vững chắc cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57. Đây sẽ là tiền đề góp phần phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.