Có nên lắp điện mặt trời trên ruộng lúa?
Ruộng lúa chiếm diện tích lớn tại nhiều nước châu Á. Liệu có thể tận dụng những khu vực này để lắp đặt điện mặt trời?
Một nghiên cứu kéo dài 6 năm tại Nhật Bản cho thấy, việc lắp đặt tấm pin mặt trời trên ruộng lúa có thể giúp nông dân tăng thu nhập lên gấp 5 lần. Tuy nhiên, mô hình này cũng tác động đáng kể đến năng suất và chất lượng lúa gạo.
Nghiên cứu này do Giáo sư Yoichiro Kato, Khoa Khoa học Nông nghiệp, Đại học Tokyo, dẫn đầu. Các thí nghiệm được thực hiện tại một trang trại ở tỉnh Ibaraki từ năm 2018, nhằm so sánh hiệu quả kinh tế và nông nghiệp giữa hai mô hình: ruộng lúa truyền thống và ruộng lúa có 27% diện tích được che phủ bởi các tấm pin mặt trời đặt trên cao.
Kết quả cho thấy, lượng ánh sáng mặt trời tại khu ruộng có lắp pin giảm từ 21-30% trong năm, khiến nhiệt độ tối đa trung bình thấp hơn khoảng 0,8°C. Những yếu tố này làm năng suất lúa giảm 23%.

Nghiên cứu lắp điện mặt trời ở các ruộng lúa. Ảnh: Mainichi
Ngoài ra, chất lượng gạo cũng bị ảnh hưởng, phần nội nhũ hạt gạo chuyển sang trắng đục, hàm lượng amylose và protein tăng nên hương vị kém hơn. Gạo được đánh giá giảm khoảng một bậc so với tiêu chuẩn.
Dù vậy, sản lượng điện mặt trời thu được vẫn ổn định hàng năm, bất chấp điều kiện thời tiết. Theo nhóm nghiên cứu, ngay cả khi áp dụng mức giá mua điện năm 2025 theo biểu giá cố định của Nhật Bản, thu nhập từ mô hình kết hợp này vẫn cao gấp 5 lần so với mô hình canh tác lúa đơn thuần.
Các chuyên gia kỳ vọng, mô hình kết hợp giữa nông nghiệp và điện mặt trời sẽ góp phần thúc đẩy năng lượng tái tạo, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho nông dân.
Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi, cần phát triển các giống lúa và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm duy trì chất lượng lúa gạo.
“Mặc dù chất lượng gạo có phần suy giảm, nhưng lợi nhuận từ nguồn điện mặt trời vẫn vượt trội”, ông Kato nhận định.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu triển khai công nghệ này tại nhiều cánh đồng lúa ở Nhật Bản và mở rộng ra các quốc gia châu Á khác.
(Theo Mainichi)