Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Anbooks và CSO Gallery phối hợp tổ chức tại không gian nghệ thuật CSO Gallery (Quảng Nam) ngày 18.2. Sự kiện nằm trong khuôn khổ 'Chuỗi giá trị chuyên gia' và hướng tới chào mừng 'Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ' (21.2), nhằm khẳng định vị thế của tiếng Việt và di sản văn học dân tộc.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu văn học, đại diện gia tộc Đại thi hào Nguyễn Du, và những người yêu thích văn học, lịch sử, di sản. Chương trình không chỉ tôn vinh giá trị trường tồn của Truyện Kiều mà còn mở ra những góc nhìn đa chiều về di sản Nguyễn Du trong bối cảnh hiện đại.

Các đại biểu và công chúng cùng xem bộ “Bộ sưu tập Truyện Kiều độc nhất vô nhị” tại CSO Gallery.

Điểm nhấn đầu tiên của chương trình là hoạt động tham quan triển lãm “Bộ sưu tập Truyện Kiều độc nhất vô nhị” tại Bảo tàng CSO (CSO Gallery) với sự giới thiệu của ông Trần Hữu Tài – nhà sáng lập CSO Gallery. Công trình đặc biệt này gồm hơn 10 bộ sưu tập với 1.630 ấn phẩm và hơn 600 ấn phẩm được đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh… Nổi bật là ấn bản Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm và bản thảo; ấn bản truyện Kiều cuối thế kỷ 19 và 20; ấn bản Truyện Kiều ngoại văn xuất bản tại 16 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Ý, Thụy Điển, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Syria…); ấn bản bộ sưu tập Truyện Kiều của thiền sư Thích Nhất Hạnh; tranh Kiều; hiện vật Truyện Kiều (đá nghệ thuật, bình sứ, đĩa CD…), lịch truyện Kiều, truyện Kiều trong thời trang; được ghi nhận kỷ lục Việt Nam về số lượng.

Ông Tài chia sẻ: “Bộ sưu tập này không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là nỗ lực gìn giữ di sản cho thế hệ tương lai. Mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện, một phần lịch sử cần được kể lại".

Trong khuôn khổ chương trình buổi tọa đàm, ông Lê Thanh Hà – nghệ nhân làm tranh từ giấy dừa đã tặng Bảo tàng Truyện Kiều bức tranh nàng Kiều. Ông Hà chia sẻ: “Mỗi nét vẽ trên giấy dừa khi tôi thực hiện bức tranh nàng Kiều là sự chân thành của bản thân tôi với tác phẩm, như chút tình đối với đại thi hào Nguyễn Du cùng nàng Kiều”.

Trong khuôn khổ chương trình buổi tọa đàm, ông Lê Thanh Hà – nghệ nhân làm tranh từ giấy dừa đã tặng Bảo tàng Truyện Kiều bức tranh nàng Kiều. Ông Hà chia sẻ: “Mỗi nét vẽ trên giấy dừa khi tôi thực hiện bức tranh nàng Kiều là sự chân thành của bản thân tôi với tác phẩm, như chút tình đối với đại thi hào Nguyễn Du cùng nàng Kiều”.

Trong phần thảo luận chính, các diễn giả đã phân tích, đánh giá Truyện Kiều qua 5 nội dung then chốt. Phần 1 – Bối cảnh lịch sử, Tọa đàm đã khẳng định vị thế của Truyện Kiều như một tượng đài văn hóa, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Phần 2 - Nội hàm nhân văn Làm rõ triết lý “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” và cách Nguyễn Du phản ánh thân phận con người trong xã hội phong kiến.

Phần 3 - Tầm vóc quốc tế: Nhìn nhận Truyện Kiều như một phần của di sản nhân loại, đặc biệt sau khi UNESCO vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới (2013); Phần 4 – Bảo tồn sáng tạo: Đề xuất ứng dụng công nghệ số để phục dựng, quảng bá tác phẩm, đồng thời đưa Kiều vào giáo dục qua phim ảnh, kịch nghệ, và nghệ thuật đa phương tiện. Phần 5 – Trách nhiệm thế hệ trẻ: Kêu gọi hành động thiết thực để “thổi hồn đương đại” vào di sản, biến “Truyện Kiều” thành người bạn đồng hành của giới trẻ.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên bên cạnh chia sẽ những ý kiến và thông tin sâu về giá trị của tác phẩm đã nhấn mạnh: “Truyện Kiều không phải để tôn thờ trong viện bảo tàng, mà phải được sống trong nhịp thở của thời đại, mọi hình thức tiếp cận đều có thể trở thành cánh cửa đưa Truyện Kiều đến gần công chúng hơn.”

Đồng quan điểm, đại diện Anbooks – bà Ngô Phương Thảo cũng nhấn mạnh: “Truyện Kiều không chỉ là một kiệt tác văn chương mà còn là linh hồn của tiếng Việt. Giữ gìn tác phẩm này chính là giữ gìn hồn cốt dân tộc.”

Một nội dung đặc biệt của buổi tọa đàm là hoạt động trải nghiệm “bói Kiều” do chính nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên dẫn dắt. Những câu thơ được rút ngẫu nhiên từ tập Kiều cổ không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khiến người tham dự ngẫm về số phận và triết lý nhân sinh...

Buổi tọa đàm khép lại với thông điệp mạnh mẽ: “Truyện Kiều không chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại và tương lai. Như lời ông Nguyễn Hải Nam – hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Du đã phát biểu: "Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ đọc Kiều không chỉ bằng trí óc, mà bằng cả trái tim. Bởi mỗi câu thơ đều chứa đựng tinh thần Việt – một tinh thần kiên cường, nhân ái và sáng tạo không ngừng".

Khiếu Thị Hoài

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/truyen-kieu-va-dai-thi-hao-nguyen-du-trong-van-hoa-viet-47101.html
Zalo