Hồi ức xưa, cảm xúc nay của cựu chiến binh chiến trường Phước Long

Dõi theo các sự kiện chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành, không khí nô nức, hào hùng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, những người cựu chiến binh ở Bình Phước không khỏi bồi hồi nhớ về những năm tháng gian lao mà oanh liệt. Ký ức về đồng đội, về những trận chiến đã trở thành một phần máu thịt, sống mãi trong trái tim họ.

Ký ức của người nữ biệt động giữa lòng địch

Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (sinh năm 1942, ngụ tại thị xã Phước Long, Bình Phước), nguyên nữ Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chia sẻ với phóng viên về những ký ức thời kỳ kháng chiến. Ảnh: TTXVN

Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (sinh năm 1942, ngụ tại thị xã Phước Long, Bình Phước), nguyên nữ Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chia sẻ với phóng viên về những ký ức thời kỳ kháng chiến. Ảnh: TTXVN

Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ký ức về đồng đội và những ngày vào sinh ra tử lại ùa về trong lòng người nữ chiến sĩ cộng sản năm xưa. Trong căn nhà nhỏ tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (sinh năm 1942, người dân địa phương quen gọi là cô Bảy Tuyết) chậm rãi kể về những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt. Bà Tuyết từng là nữ đội trưởng Đội biệt động núi Bà Rá thuộc K11 trực tiếp chiến đấu trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Năm 1958, từ Quảng Ngãi, bà Tuyết vào làm công nhân cao su Phú Riềng. Năm 1960, phong trào Đồng khởi lan rộng, bà và những thanh niên công nhân đã được cán bộ tuyên truyền giác ngộ, tham gia cách mạng tại K2 (quận Phước Bình). Thời gian đầu, bà chủ yếu làm công tác hậu cần, phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đến tháng 9/1961, bà được bổ sung vào Ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy Phước Long, in ấn tài liệu, truyền đơn, sau đó được phân công về các dinh điền tuyên truyền cách mạng.

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, năm 1965, bà được điều về Đội biệt động núi Bà Rá, hoạt động trên địa bàn từ sân bay Phước Bình vào thị xã Phước Long. Nhiệm vụ của đội không chỉ là đánh địch mà còn xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Trong những ký ức sâu sắc, bà Tuyết không thể quên hình ảnh một cậu lính trẻ với ước mơ giản dị đến xót lòng. Bà Tuyết nhớ lại: "Buổi chiều, mọi người ra chân núi ăn cơm nắm, khi nhìn thấy tro đốt lồ ô dưới chân. Cậu ấy nói: Chị ơi, em ước hòa bình cho em ra ở đây tỉa bắp. Lúc đó tôi nói: Cậu ơi sao ước mơ đơn giản vậy cậu Giang. Tuy nhiên, sáng hôm sau, cậu ấy đã hy sinh".

Những năm 1971 - 1972 là giai đoạn khó khăn khi địch kiểm soát gắt gao, càn quét liên tục khiến nguồn tiếp tế lương thực trở nên khan hiếm. Bà Tuyết chia sẻ: “Đơn vị tôi phải ăn củ chuối, trái sung luộc và măng rừng. Sau đó, những người ăn là nam bị tiểu ra máu, còn nữ thì không thấy tháng, nhưng anh em giấu không nói. Sau khi tôi phát hiện anh em mặt xanh xao, gặng hỏi mới biết do thiếu lương thực nên sức khỏe yếu". Người dân sau đó đã hỗ trợ đơn vị 30 kg bắp hột và 30 kg gạo.

Theo dõi những hình ảnh tổng duyệt diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho ngày lễ 30/4 trên sóng truyền hình, bà Tuyết không khỏi bồi hồi, xúc động: "Tôi thấy quá đã; thấy rất mừng vì lực lượng vũ trang mình lớn mạnh rồi. Các binh chủng về hết. Đặc biệt, thấy hình ảnh mấy cô, mấy đeo khăn rằn, đội nón tai bèo làm tôi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình".

Nỗi đau đáu của người cựu chiến binh

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan (sinh năm 1941, ngụ tại thị xã Phước Long), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long, người trực tiếp tham gia trận chiến Đường 14 - Phước Long, chia sẻ với phóng viên về ký ức chiến trường. Ảnh: TTXVN

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan (sinh năm 1941, ngụ tại thị xã Phước Long), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long, người trực tiếp tham gia trận chiến Đường 14 - Phước Long, chia sẻ với phóng viên về ký ức chiến trường. Ảnh: TTXVN

Cùng chung cảm xúc với bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, ông Nguyễn Văn Ngoan (sinh năm 1941), ngụ tại phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, cũng cảm nhận rõ không khí hào hùng của 50 năm sau ngày giải phóng. Ông Nguyễn Văn Ngoan là người trực tiếp tham gia trận chiến Đường 14 - Phước Long làm nên chiến thắng Phước Long 6/1/1975 và các trận đánh khác.

Trong chiến thắng Phước Long, ông Ngoan nhớ nhất thời điểm ngày 26/12/1974, đúng 5 giờ sáng quân ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài. Đến 8 giờ 35 phút, ta làm chủ được chi khu. Đến 15 giờ cùng ngày, ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đồng Xoài, Phước Long bị bao vây cô lập hoàn toàn. Tỉnh lỵ Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình, địch ở vào thế phòng thủ, phải tổ chức các đơn vị ngăn chặn trên hai hướng đường 31 và đường 309, lập một hệ thống đồn, bốt dày đặc ở Sơn Giang, Suối Dung, Nhơn Hòa, An Lương để phòng thủ. Rạng sáng 6/1/1975, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị tiêu diệt hoàn toàn. Đến 9 giờ sáng 6/1/1975, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng. Đến 19 giờ cùng ngày, Phước Long hoàn toàn giải phóng.

Chia sẻ về những năm tháng chiến đấu, ông Ngoan bộc bạch: Mong muốn lớn nhất của mỗi người lính khi tham gia chiến đấu là đất nước được độc lập, thống nhất. Mình còn sống đến bây giờ đã là một điều rất mừng. Thấy xã hội phát triển, đất nước tiến bộ so với trước kia, chẳng những bản thân ông mà cả nhân dân Bình Phước nói riêng, cả nước nói chung đều rất mừng.

Tuy nhiên, trong lòng người cựu chiến binh vẫn còn một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi về những đồng đội đã ngã xuống. Ông Nguyễn Văn Ngoan xúc động chia sẻ, điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, không có đủ hòm, chủ yếu chỉ là những tấm nylon tạm bợ, thậm chí không có cả nylon, anh em được vùi vội xuống những hố đất đào vội. Chính vì thế, hầu hết anh em của đơn vị đến nay vẫn chưa được đưa về nghĩa trang liệt sĩ.

Bản thân ông tuổi đã cao, sau khi hòa bình lập lại, lại tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, nên không có thời gian đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. "Điều day dứt, băn khoăn lớn nhất trong lòng tôi hiện nay là anh em đã hy sinh, xương máu đã đổ xuống, mà mình vẫn chưa thể đưa họ về yên nghỉ tại nghĩa trang. Đó là một lỗi lớn của những người còn sống như chúng tôi", ông Ngoan chia sẻ thêm.

Trong không khí 50 năm thống nhất đất nước, với tất cả sự trân trọng và kỳ vọng, ông Nguyễn Văn Ngoan mong rằng, nối tiếp các thế hệ đi trước, các thế hệ trẻ hiện nay của Phước Long, Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống của dân tộc, thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chiến công và những cống hiến, hy sinh của những người lính năm xưa, trong đó có bà Tuyết, ông Ngoan luôn là niềm tự hào của người dân Phước Long nói riêng và Bình Phước nói chung. Trong hòa bình, họ luôn mong muốn các thế hệ sau sẽ tiếp bước thế hệ trước, phát huy sức mạnh tuổi trẻ để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước.

K GƯỈH (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/hoi-uc-xua-cam-xuc-nay-cua-cuu-chien-binh-chien-truong-phuoc-long-20250428153126693.htm
Zalo