Sự sống nảy mầm từ những căn hầm địa đạo

Chiến tranh đã lùi xa trên đất nước Việt Nam anh hùng kể từ 50 năm trước. Cộng đồng quốc tế vẫn dành một sự khâm phục sâu sắc cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường vượt và cách sinh tồn của những người dân yêu nước.

Báo Nhân đạo (Pháp) mô tả sống động về những khó khăn, gian khổ mà người dân Việt Nam đã phải chịu đựng trong chiến tranh.

Báo Nhân đạo (Pháp) mô tả sống động về những khó khăn, gian khổ mà người dân Việt Nam đã phải chịu đựng trong chiến tranh.

Ngày 25/4/2025, báo Nhân đạo (L’Humanité - Đảng Cộng sản Pháp) đã đăng một bài viết đặc biệt, mang tới độc giả quốc tế một góc nhìn sâu sắc về cuộc sống của người dân Việt Nam trong thời chiến: Câu chuyện về đứa trẻ được sinh ra trong địa đạo Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị).

Được xuất bản nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tâm điểm của bài viết là câu chuyện về bà Hồ Thị Giữ, một trong số hàng nghìn trẻ em đã sinh ra và lớn lên trong hệ thống địa đạo phức tạp đầy trí tuệ của nhân dân Việt Nam.

Laurent Lefèvre, tác giả của bài viết, tường thuật: giữa giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, ngày 1/1/1968, Hồ Thị Giữ được sinh ra trong lòng địa đạo sâu 15 mét dưới lòng đất trong làng Vịnh Mốc nằm gần cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Đây là khu vực phải hứng chịu những đợt ném bom dữ dội và không ngừng từ quân đội Mỹ.

Trước tình hình đó, sau khi nhà cửa và nơi trú ẩn bị bom phá hủy, người dân làng Vịnh Mốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống hầm ngầm kiên cố trong đồi đất đỏ bazan vào giữa năm 1965. Các gia đình đã sinh sống và ẩn náu trong những đường hầm này suốt gần chín năm.

Bà Hồ Thị Giữ kể lại, mẹ bà đã sinh bà trong một hốc tường được khoét làm phòng hộ sinh giữa lòng địa đạo ẩm lạnh. Bà chỉ nhìn thấy ánh sáng mặt trời lần đầu tiên lúc được khoảng 15 tháng tuổi, khi cùng mẹ và chị gái chuyển đến tỉnh Nghệ An. Cha bà lúc đó ở lại Vịnh Mốc để chiến đấu.

Suốt khoảng thời gian sau đó, làng Vịnh Mốc và các vùng lân cận vẫn thường xuyên bị những máy bay chiến đấu và B-52 của Mỹ tấn công.

Tháng 3 năm 1973, bà cùng mẹ và chị gái trở về Vịnh Mốc. Cha bà không may qua đời do trúng mảnh bom đạn của giặc Mỹ trên đường đi đón gia đình.

Lối vào địa đạo Vịnh Mốc trở thành biểu tượng cho sự quật cường của người dân Việt Nam trong thời chiến.

Lối vào địa đạo Vịnh Mốc trở thành biểu tượng cho sự quật cường của người dân Việt Nam trong thời chiến.

Cuộc sống trong địa đạo là một cuộc chiến đấu sinh tồn không ngừng. Khi bầu trời lặng tiếng gầm rú của máy bay địch, người dân làng Vịnh Mốc lại ra ngoài để trồng rau, hái củ và làm lúa. Cua cá đánh bắt và hoa màu thu hoạch đều được chia sẻ cho mọi người sống trong địa đạo. Khi còn sống, cha bà Hồ Thị Giữ vẫn thường ra ngoài vào ban đêm để đánh cá và trở về lòng địa đạo vào lúc rạng sáng.

Những cuộc quả bom dữ dội của lính Mỹ vẫn bay trên nóc hầm trú ẩn của đứa trẻ Hồ Thị Giữ tới lúc 5 tuổi. Ký ức rõ nét nhất của bà về giai đoạn này là những đường hầm tối tăm, ẩm thấp, được đào ba tầng liên thông với nhau.

Bài viết cho biết, vào mùa mưa, nước thấm qua từng lớp đất đá. Mẹ bà Hồ Thị Giữ phải dùng áo mưa che cho bà ngủ, trên chiếc chõng tre, dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, những lớp học xóa mù chữ và con số vẫn diễn ra, ban đầu chỉ dưới lòng đất, sau đó chuyển ra các tuyến hào bên ngoài địa đạo.

Mỗi khi máy bay địch đến gần, dân làng báo hiệu bằng việc đánh chiếc cồng tự chế làm từ vỏ bom. Người lớn và trẻ em vội chạy vào cửa hầm gần nhất để trú ẩn. Lớp học chỉ tiếp tục khi cơn nguy hiểm đã qua.

Kể từ 1974, người dân làng Vịnh Mốc mới rời những căn hầm, lên hẳn mặt đất. Làng xóm bị bom đạn tàn phá nặng nề với những quân dụng vũ khí có khi còn chưa nổ vẫn đang ngổn ngang khắp chốn.

Hốc tường nhỏ được đào trong lòng đất sâu 15 mét là phòng chào đời của nhiều đứa trẻ làng Vịnh Mốc.

Hốc tường nhỏ được đào trong lòng đất sâu 15 mét là phòng chào đời của nhiều đứa trẻ làng Vịnh Mốc.

Hiện tại, bà Hồ Thị Giữ vẫn sống tại làng Vịnh Mốc. Cuộc sống nơi đây thật thanh bình. Địa đạo Vịnh Mốc trở thành một di tích lịch sử quan trọng và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1995. Dù phần lớn những người cùng thế hệ sinh ra trong địa đạo đã chuyển đi, bà Giữ và bà con trong làng vẫn thường xuyên gặp gỡ, nhất là dịp Tết.

Bằng nghề đánh bắt và buôn bán hải sản, bà Giữ và chồng nuôi lớn khôn những người con, người cháu. Bà vẫn đưa con cháu đến thăm địa đạo nơi bà đã sinh ra. Câu chuyện về cuộc sống dưới lòng đất, cùng ý chí quật cường của người dân làng Vịnh Mốc trong giai đoạn đất nước đỏ lửa chiến tranh vẫn được truyền qua mỗi thế hệ.

Bài viết trên báo Nhân đạo khắc họa sự kiên cường của người dân Việt Nam trong thời chiến, và cách cả dân tộc ấy đã vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất hòa bình.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/su-song-nay-mam-tu-nhung-can-ham-dia-dao-post875921.html
Zalo