Hồi ức những người góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975
Bài 1: Tự hào góp sức thống nhất non sông
Trong ngôi nhà nhỏ tại phường An Hải Nam, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Nhân Mùi (sinh năm 1954, quê xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cẩn thận lấy ra bức ảnh đen trắng đã ố màu khoe với tôi. Tấm ảnh chụp ông và đồng đội Nguyễn Văn Nam vào buổi chiều lịch sử 30-4-1975, do một nữ phóng viên nước ngoài thực hiện. Bức ảnh là kỷ vật thiêng liêng, gói ghém cả tuổi xuân, máu xương và những tháng ngày hào hùng của một thời hoa đỏ.

CCB Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) và đồng chí Nguyễn Văn Nam (Ban Liên lạc đại đội) chụp ảnh kỷ niệm vào chiều ngày 30-4-1975.
Trận đánh “thịt đọ với sắt thép” giữa rừng Xuân Lộc
Ông Nguyễn Nhân Mùi nhập ngũ tháng 5-1972, khi vừa tốt nghiệp lớp 10/10, và được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn bộ binh 325, chiến đấu ở tuyến lửa Quảng Trị. Tháng 7-1972, ông tham gia chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị trong mưa bom bão đạn. Sau đó, ông được chuyển đến công tác tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95. Cuối năm 1974, ông cùng Trung đoàn 95B (phân hiệu mới) từ Quảng Trị nhận lệnh vượt Trường Sơn, vào chiến trường miền Nam.
Tháng 3-1975, sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, đơn vị ông hành quân thần tốc về Cheo Reo (Phú Bổn), chặn đánh quân địch tháo chạy về Phú Yên. Sau đó, tiến quân xuống đồng bằng, tập kết đánh Xuân Lộc, nơi được mệnh danh là “lá chắn thép” bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Tại đây, Trung đoàn 95B phối hợp với Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đồng thời tấn công, đánh lui quân địch. “Đánh Xuân Lộc gian khổ lắm. Địch dàn trận cố thủ, bom đạn dội xuống như mưa. Ta phải đánh giáp lá cà, xung phong trong tầm hỏa lực mạnh của chúng. Nhiều đồng đội tôi ngã xuống, có người chỉ mới mười tám đôi mươi...”- giọng người CCB già trầm xuống khi nhắc về trận chiến khốc liệt nhất đời lính của mình.
Ba ngày 17, 18 và 19-4-1975, trận đánh tại rừng cao su Xuân Lộc diễn ra khốc liệt. CCB Nguyễn Nhân Mùi bồi hồi nhớ lại: “Trưa ngày 17-4, sau khi đào hầm công sự xong, anh em quan sát, thấy có nhiều xe tăng, thiết giáp của quân địch đang tiến qua cánh rừng cao su. Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn (Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95B) cử tôi mang súng B41, đồng chí Nguyễn Văn Tình mang B40, cùng hai đồng đội mang AK lên trước giữ trận địa”. Pháo địch trút xuống ào ạt, đất rừng tung tóe, cao su bật gốc, mùi thuốc súng khét lẹt. Hai xe tăng và thiết giáp địch tràn đến vị trí của tổ súng. “Tôi bảo đồng chí Tình: Anh bắn chiếc thiết giáp bên trái, chiếc bên phải để tôi. Nhắm đúng tầm, đúng hướng, tôi bóp cò, phát đạn từ B41 xuyên trúng, chiếc xe tăng bốc cháy ngùn ngụt... Nhưng rồi một quả pháo địch ập đến, thổi tung gốc cao su nơi đồng chí Tình đang bám trụ. Đồng chí hy sinh tại chỗ. Một chiến sĩ khác bị thương nặng. Y tá Đại đội Nguyễn Văn Sinh cùng một chiến sĩ kịp cõng hai người ra tuyến sau cấp cứu…”- kể đến đây, người CCB già ngưng lại, mắt đỏ hoe.
Nén đau thương, ông cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu đến khi nhận lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Trên đường rút, bị địch áp sát đến một bờ vực, phía dưới có một con suối, quân địch hét vang: “Phải bắt sống!”. Hai người lính trẻ nhảy xuống vực. Ông Mùi bị kẹt lại trong lùm cây, quân địch bắt đầu nả súng liên hồi xuống dưới. Trận nả súng đó khiến ông bị thương ở mông và lưng. Đồng đội đi cùng hy sinh. Tưởng các chiến sĩ quân Giải phóng đã chết, quân địch bỏ đi.
Sáng hôm sau, một cụ già và cháu gái đi làm rẫy phát hiện ông đang nằm bất tỉnh. Họ cứu, tìm cách đưa ông về Trạm phẫu tiền phương chữa trị. Kỳ diệu thay, khi đơn vị ông rút về một rẫy cà phê để củng cố lực lượng thì đó lại chính là rẫy nhà ân nhân đã cứu ông, ở gần Trạm phẫu. Nhờ đó, ông theo đơn vị hành quân tiếp, hợp quân với Sư đoàn 325 - cánh quân hướng Đông của Quân đoàn 2 từ Đà Nẵng vào, chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tiến vào Sài Gòn trưa 30-4-1975: Những giọt nước mắt chiến thắng
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn lúc 5 giờ sáng 26-4-1975. Cánh quân phía Đông gồm Sư đoàn 325, Lữ đoàn xe tăng 203 và các đơn vị phối hợp thọc sâu vào nội đô Sài Gòn từ phía cầu Sài Gòn.
Khoảng 9 giờ sáng 30-4, đơn vị ông Mùi qua cầu Sài Gòn, thấy xác 5 xe tăng và thiết giáp của địch bị thiêu rụi, thi thể lính Ngụy vương vãi, bao cát, thùng phuy ngổn ngang. Lúc này, có hai nữ biệt động thành chạy xe máy từ nội đô đến báo tin: “Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, xe tăng Quân giải phóng giao chiến ác liệt, xe tăng 843 và 390 đã phá cổng Dinh Độc Lập, biệt động đang dẫn đường vào tiếp quản”.
Đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh triển khai đội hình chiến đấu ở bờ phía Tây Tân Cảng. Quân Ngụy tan rã, nhiều nhóm lính cởi giày, vứt bỏ quân phục, vũ khí, giơ tay xin hàng. Quân Giải phóng bàn giao họ cho bộ đội và du kích địa phương để tiếp tục tiến quân. Khi đến ngã ba Hàng Xanh, một nhóm địch có thiết giáp chặn đánh. Sau 20 phút giao tranh, bộ đội ta tiêu diệt toàn bộ. Lúc này, thành phố dần yên tĩnh, thỉnh thoảng mới nghe vài loạt súng vọng về.
Khi vào nội đô, đơn vị ông đào công sự chờ lệnh mới. Trong lòng ai cũng thấp thỏm. “Bất ngờ anh Nguyễn Quốc Cư - Chính trị viên Đại đội 9 chạy đến thông báo “Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng!”. Cả đại đội vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”- CCB Nguyễn Nhân Mùi xúc động nhớ lại.
Anh em cởi bỏ bộ quân phục lấm lem, nhuốm khói súng và máu, thay quần áo sạch sẽ, cắt tóc cho nhau bằng kéo của quân y. Có người xin vào nhà dân tắm rửa. Vài nữ du kích đến tặng thuốc lá Ruby, Capstan, chia vui chiến thắng, bộ đội chia nhau hút, vừa cười vừa khóc. “Tôi muốn khoác bộ quân phục mới bước vào Sài Gòn như một người lính chiến thắng”- ông Mùi tự hào, giọng nghèn nghẹn.
Đến khoảng 1 giờ chiều cùng ngày, thông qua Ban liên lạc đại đội một nữ phóng viên nước ngoài tìm đến đơn vị phỏng vấn, chụp ảnh ông Mùi cùng chiến sĩ Nguyễn Văn Nam, liên lạc viên. Tấm ảnh được nữ phóng viên trao cho chính trị viên đại đội Cư. 21 năm sau, năm 1996, ông Mùi bất ngờ gặp lại ông Cư tại Kon Tum. “Anh Cư tay bắt mặt mừng, lấy ra bức ảnh đã cũ: Chiều 30-4 năm đó, cô phóng viên tìm các em để trao ảnh, anh nhận. Giờ anh trao lại cho em…”- ông Mùi kể lại…
Sau giải phóng, ông được cử đi học sĩ quan tại Trường Sĩ quan Thủ Đức, là khóa đầu tiên học ngành quản trị trưởng của toàn quân. Năm 1978 thì về đóng quân tại chân núi Bà Nà, sau đó tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đến tháng 8-1984, ông được chuyển vùng về Quân khu 5, công tác tại Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu cuối năm 1998. Gần nửa đời người cống hiến, ông không chỉ là người lính kiên cường mà còn là một nhân chứng sống của lịch sử. Trong tâm khảm CCB Nguyễn Nhân Mùi, chiến trường Xuân Lộc, cầu Sài Gòn, trưa 30-4 vẫn như mới hôm qua…