Văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau với tất cả tấm lòng vì một cơ đồ Việt Nam

Chiều nay (28/4), tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề 'Chung một cơ đồ Việt Nam'.

Cuộc thi do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) theo Kế hoạch số 203-KH/TU ngày 25/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Các chuyên ngành được chọn để tổ chức cuộc thi là nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh.

Ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban tổ chức, phát biểu tại buổi lễ tổng kết cuộc thi.

Ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban tổ chức, phát biểu tại buổi lễ tổng kết cuộc thi.

Ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức, đánh giá: Ở lĩnh vực âm nhạc, các tác giả đã chọn cách tiếp cận tương đối lạ ở các đề tài tưởng chừng như khó tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác mới và độc đáo hơn, bởi các nhạc sĩ đi trước đã từng vô cùng thành công, như các tác phẩm: Trống hội Việt Nam (sáng tác Nguyễn Ngọc Để), Tổ quốc cho em mùa xuân (sáng tác Sỹ Nhâm), Bài ca chung một cơ đồ (sáng tác Lữ Minh Ngọc)... Truyền thống dựng nước và giữ nước, tinh thần nhân văn và tự hào dân tộc đã được các tác giả thể hiện một cách hòa quyện trong từng giai điệu, ca từ: “Tự hào hai tiếng Việt Nam vang trên trường quốc tế. Bạn bè dù khác màu da vượt qua gian khó” (Trống hội Việt Nam). Đó cũng là tấm lòng của văn nghệ sĩ Cà Mau hướng về ngày vui chung của toàn dân tộc - ngày Bắc Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Cà Mau và ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật trao giải A cho 5 tác giả thuộc 5 chuyên ngành: điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc và mỹ thuật.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Cà Mau và ông Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật trao giải A cho 5 tác giả thuộc 5 chuyên ngành: điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc và mỹ thuật.

Với tác giả Nguyễn Thị Thảo (Lý Bông Dừa), điệu Dạ cổ hoài lang đã trở thành hành trang - nỗi niềm của người vợ tiễn đưa người chồng - người chiến sĩ ra đi vì một tình yêu lớn. Khúc tri âm của Lý Bông Dừa tuy “bi” nhưng không “lụy”, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, đảm bảo được tính tư tưởng của chủ đề cuộc thi và yếu tố nghệ thuật của thể loại bài ca vọng cổ.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trao giải B cho các tác giả.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trao giải B cho các tác giả.

Ở lĩnh vực điện ảnh, nhóm tác giả: Duy Khải, Thanh Phúc và Thảo My qua tác phẩm “Nữ quay phim đầu tiên của điện ảnh Tây Nam bộ”, nhân vật chính trong tác phẩm chính là tác giả của bộ phim “Bệnh viện trong rừng đước” - bộ phim đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Tây Nam Bộ, được thực hiện từ thập niên 60 - bà Nguyễn Thúy Liễu. Hiện nay, bà đã gần 80 tuổi, đang sinh sống tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

So với các lĩnh vực được chọn để tổ chức cuộc thi, lĩnh vực nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm gởi về tham dự cuộc thi nhất (64 tác phẩm). “Ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực nhiếp ảnh đang có ưu thế vượt trội so với các lĩnh vực còn lại trong việc tham gia ngày càng phổ biến vào công tác tuyên truyền, quảng bá nói chung của tỉnh Cà Mau. Mặt khác, với đặc thù của loại hình, nhiếp ảnh cũng là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm từ tỉnh so với các lĩnh vực còn lại của ngành công nghiệp văn hóa”, ông Trịnh Thanh Vũ nhấn mạnh.

Trên lĩnh vực mỹ thuật, hầu hết đều có sự hiện diện của các chất liệu thuộc về sở trường của các tác giả Cà Mau, từ khắc gỗ, sơn dầu, sơn mài cho đến lụa, acrylic, bút sắt… Bên cạnh các tác phẩm tiếp tục khai thác đề tài về truyền thống hào hùng trong đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau, có sự xuất hiện của không ít tác phẩm khái quát được không khí khẩn trương, tất bật của một vùng đất đang chuyển mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Trịnh Thanh Vũ trao giải C cho các tác giả.

Ông Trịnh Thanh Vũ trao giải C cho các tác giả.

Nhìn vào từng tác phẩm của 5 lĩnh vực tham gia cuộc thi, có thể thấy rằng: Văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau với tất cả tấm lòng vì một cơ đồ Việt Nam, đã cống hiến đứa con tinh thần từ tâm huyết của mình để góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kỷ niệm 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam chào mừng sự kiện 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Tổng kết cuộc thi “Chung một cơ đồ Việt Nam”, Ban tổ chức trao 5 giải A, 4 giải B, 7 giải C và 12 giải Khuyến khích cho các tác giả thuộc 5 chuyên ngành: âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh và điện ảnh tham gia.

Huỳnh Lâm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/van-nghe-si-tinh-ca-mau-voi-tat-ca-tam-long-vi-mot-co-do-viet-nam-a38663.html
Zalo