Hơi thở cuối cùng

Trong gian nhà xám nhòe ký ức, mẹ - một thân thể tàn tro tên Còng - nằm đó, giữa ranh giới 'chưa đi' và 'sắp'. Không chết, nhưng rất gần. Bà lặng lẽ như thể đã thành một phần của nền nhà. Đôi môi rụng xuống một câu: 'Tiếc là mẹ chưa có cháu.'

Mưa.

Hoặc là nước mắt của đất. Hoặc là tiếng thở của thời gian.

Không ai hỏi mưa bắt đầu từ đâu. Cũng như không ai hỏi vết nứt trên mái nhà bắt đầu từ ngày nào mẹ thở dài.

Trong gian nhà xám nhòe ký ức, mẹ - một thân thể tàn tro tên Còng - nằm đó, giữa ranh giới "chưa đi" và "sắp". Không chết, nhưng rất gần. Bà lặng lẽ như thể đã thành một phần của nền nhà. Đôi môi rụng xuống một câu: "Tiếc là mẹ chưa có cháu."

Không ai trả lời. Thứ đứng đó. Người đàn ông mang gương mặt bị giằng ra bởi hai miền: quê và núi.

Anh đã gọi.

Cho cô bé mười bảy tuổi tên Nhài.

Cái tên như một lời nói khẽ.

Con gái của anh với người đàn bà miền ngược - nơi sương mù cũng biết giữ bí mật.

Không ai biết chuyện đó, ngoài người đàn bà, anh và một khoảng trời mù đặc.

Và dĩ nhiên, Phật - nếu có.

Trước khi có mẹ Nhài, Thứ đã có một người khác.

Một đứa trẻ bị gọi là "vợ" khi mới mười ba tuổi.

Bị gả. Bị gán. Bị ghim vào đời ai đó như cái đinh rỉ sét.

Không tình yêu. Không cả sự tò mò. Chỉ có một nghi lễ của tập tục tảo hôn đeo mặt nạ "truyền thống".

Họ sống với nhau như tường và bóng. Không hờn. Không yêu. Không cả câu hỏi: tại sao? Tất nhiên là không gần gũi.

Chỉ là hai người thở cùng nhau nhưng không chung không khí.

Thứ đi.

Lên đại học. Vào Bộ. Ra khỏi tầm mắt làng quê, nhưng không ra khỏi cái bóng.

Rồi anh lên Lạng Sơn - không phải vì định mệnh, mà vì điều động.

Ở đó, anh gặp một người đàn bà không tên trong hồ sơ cán bộ.

Chị bán thuốc lá, nói ít, cười ít hơn, mắt như rừng không lối mòn.

Họ không cưới.

Không đăng ký.

Không lập bàn thờ tổ tiên để báo cáo.

Nhưng chính là lúc đó, lần đầu tiên, Thứ thấy mình được làm đàn ông, không phải hình nhân mặc áo sơ mi có logo của ngành.

Nhài sinh ra trong câm lặng.

Tiền được gửi về như một lời sám hối gói trong phong bì.

Không ký tên.

Không lời chúc mừng.

Rồi mẹ sắp chết.

Thứ đưa Nhài về. Nói với bà đây là cháu nội. Một lời thú tội.

Nhưng bà không chết.

Mọi thứ bung ra như cái bao tải thóc rách giữa sân đình:

Cơ quan triệu tập.

Mấy trăm cái miệng trong cơ quan mấp máy, xì xào.

Cán bộ kiểm điểm trong phòng họp kín như quan tài.

Đề nghị khai trừ.

Đề nghị hạ bậc lương.

Đề nghị…

Đề nghị…

Những lời đề nghị có mùi kẽm và sự phán xét nhân danh đạo đức giả. Có cả hình bóng của chính trị.

Và rồi - điều phi logic duy nhất trong một xã hội logic kỳ quái:

Bí thư Đảng ủy gọi Thứ lên.

Ông không mắng.

Không vặn vẹo.

Chỉ hỏi: “Cô gái mười ba tuổi ngày đó… giờ ở đâu?”

Thứ không trả lời.

Hoặc là không biết, hoặc là không dám biết.

“Các anh chị không yêu nhau. Đó là tàn tích của một tục lệ. Sao không kết thúc cho tử tế?”

Lần đầu tiên, Thứ nghe có người không mắng mình, mà gợi ý một lối ra.

“Về. Bàn với vợ anh. Nếu cô ấy đồng ý, tôi giữ cho anh chỗ đứng. Nhưng anh phải sống tử tế.”

Và Thứ về.

Người đàn bà năm xưa - từng bị bắt làm vợ khi còn thơm mùi rơm - không khóc.

Không trách.

Không làm gì cả.

Chỉ nhìn.

Rất lâu.

“Em từng mười ba tuổi. Vợ hờ.

Thôi thì... giải thoát cho nhau.”

Họ ra tòa.

Không ai cãi.

Không hoa cưới, nhưng cũng không tang lễ.

Thứ trở lại bên Nhài.

Bên người đàn bà rừng sương.

Anh nhận con. Nhận lỗi. Nhận luôn cả những đêm không ngủ vì sợ.

Cơ quan kết luận:

"Sai phạm do hoàn cảnh đặc biệt. Tự giác sửa sai. Giải quyết ổn thỏa."

Không khai trừ.

Không hạ bậc lương.

Chỉ bị ký tên đỏ như một vết máu giả.

Câu chuyện lan ra.

Không ai cười.

Ở cơ quan, mấy chị hay đôi mách, xầm xì: “Bao che!”.

Ở quê, vài ông già nhấp rượu lắc đầu: “Lấy rồi bỏ. Loạn!”

Còn mẹ - bà cụ Còng - không thở dài.

Bà thở ra bằng nụ cười thanh thản cuối đời, như que nhang tỏa hương thơm lúc sắp tàn.

“Ừ... Biết đâu đứa cháu này đổi được cả vận họ nhà mình.”

Mưa lại rơi.

Lên mái tôn.

Lên ngọn bưởi.

Và lên những cái bóng vừa bước ra khỏi màn kịch gọi là truyền thống.

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-tho-cuoi-cung-a28812.html
Zalo