Hồi sinh rạn san hô Hòn Mun

Đầu năm 2022, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt phản ánh tình trạng rạn san hô ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang bị suy thoái nghiêm trọng. Tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp phục hồi rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và tính đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam.

Thợ lặn vớt rác trong Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. (Ảnh CTV)

Thợ lặn vớt rác trong Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. (Ảnh CTV)

Đã hẹn với Ban Quản lý vịnh Nha Trang, nhưng do biển động kéo dài, không thể ra Khu Bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang, chúng tôi đành mượn những thước phim tư liệu của các nhà khoa học để từ đó có sự hình dung cơ bản về hệ sinh thái rạn san hô; quá trình bảo tồn rạn san hô ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.

Qua những thước phim, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp mê hồn của những rạn san hô ở đây, với những quần thể san hô và hệ sinh vật biển phong phú, đủ màu sắc. Các nhà khoa học biển khẳng định, rạn san hô là một trong những hệ sinh thái có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất, và ví chúng như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển.

Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang Đàm Hải Vân cho biết, Khu Bảo tồn biển Hòn Mun ra đời từ năm 2001, nằm trong vịnh Nha Trang, có diện tích khoảng 160 km², bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước. Dự án do Bộ Thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thực hiện; được Quỹ Môi trường toàn cầu (WB/GEF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB); Chính phủ Hoàng gia Đan Mạch thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch DANIDA; Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tài trợ. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam.

Khu Bảo tồn biển Hòn Mun ra đời từ năm 2001, nằm trong vịnh Nha Trang, có diện tích khoảng 160 km², bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, rạn san hô ở Hòn Mun có tầm quan trọng mang tính quốc tế và tính đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam, với hơn 350 loài san hô cứng tạo rạn, hơn 230 loài cá rạn, 112 loài thân mềm, 112 loài giáp xác, 27 loài da gai, 69 loài rong và 7 loài cỏ biển. Với sức hấp dẫn của du lịch địa chất, hệ sinh thái san hô đa dạng bậc nhất thế giới và một kho báu sinh thái biển, Hòn Mun có sức thu hút mạnh mẽ đối với những người yêu biển và các nhà nghiên cứu khoa học biển.

Kể từ khi thành lập, Khu Bảo tồn biển Hòn Mun thực hiện nhiều giải pháp quản lý ngăn chặn các tác nhân, hành vi gây hại cho các hệ sinh thái biển; bảo vệ, phát huy giá trị các hệ sinh thái biển; phát triển cộng đồng; phát triển các sinh kế thay thế, ngành nghề mới cho cộng đồng; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng cư dân và du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển… Đây thật sự là một hình mẫu về bảo tồn hệ sinh thái biển; phát triển kinh tế biển xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên biển, đảo.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt phản ánh tình trạng rạn san hô ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị suy thoái nghiêm trọng. Hình ảnh ghi lại cho thấy, trước đây, đáy biển Hòn Mun là những cảnh tượng sinh động, với những rạn san hô lung linh và sinh vật biển phong phú; nay, đáy biển Hòn Mun ngổn ngang những mảnh san hô vụn vỡ, hoang tàn.

Nếu chỉ nói chung chung như vậy sẽ khó lòng hình dung được tầm quan trọng của vấn đề. Nhưng, chỉ cần 0,41 giây sau cú kích chuột trên máy tính, có tới 24,8 triệu kết quả hiển thị thông tin về "tẩy trắng san hô" và hơn 2,2 triệu bài viết về hiện tượng san hô chết. Điều đó chứng tỏ tình trạng san hô bị tẩy trắng, bị chết đã được cả thế giới rất quan tâm.

Theo các nhà khoa học biển, trong thế giới đại dương, rạn san hô là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho hơn 4.000 loài cá, 800 loài san hô và hàng nghìn sinh vật biển khác. Cho nên, hệ sinh thái san hô được xem là quan trọng nhất, có ý nghĩa như "cái nôi" sinh trưởng cho các hệ sinh thái khác trong lòng biển và đại dương.

Theo khảo sát của giới khoa học, năm 2015, phía Tây Nam và Đông Nam Hòn Mun độ phủ của san hô ở tình trạng tốt, khoảng 52%. Đến năm 2022, độ phủ của san hô ở đây chỉ còn chưa tới 11%, thuộc diện rạn kém. Câu hỏi đặt ra là hiện tượng suy thoái này diễn ra từ lúc nào, nguyên nhân do đâu.

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho biết: Các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự suy thoái của các rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang. Rạn san hô ở đây bị tác động tiêu cực quá nhiều, thậm chí kem bôi chống nắng của thợ lặn cũng gây ảnh hưởng rất xấu đối với san hô. Bên cạnh những yếu tố về thời tiết, biến đổi khí hậu, đó là nạn dùng mìn, dùng chất độc để đánh cá và gần đây là việc khai thác du lịch quá mức trên vịnh; xây dựng các công trình ven biển, lấn biển; nước lũ từ thượng nguồn tràn về nhiều…

Trước thực trạng môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, ngày 21/6/2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Thông báo số 347 yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết, vừa lâu dài.

Ngay sau đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo làm rõ nguyên nhân hệ sinh thái biển bị suy giảm và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục. Kết quả khảo sát vào ngày 12/6/2022 cho thấy, không chỉ có rạn san hô tại vùng biển Hòn Mun, mà san hô ở nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang cũng bị hư hại rất nhiều. Ở nhiều địa điểm, san hô suy giảm tới hơn 70% so với kết quả khảo sát năm 2015.

Nhằm từng bước phục hồi rạn san hô ở Hòn Mun, từ cuối tháng 6/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun; di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun…

Cùng với đó, việc tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai (một loài thiên địch của san hô) và nhặt rác ở đáy biển Hòn Mun được thực hiện thường xuyên; đồng thời, tuyên truyền vận động người dân, du khách nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển. Hiện nay, tỉnh đã cho phép Ban Quản lý vịnh Nha Trang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án "Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô Hòn Mun".

Thợ lặn đo đạc, kiểm tra sự phục hồi của rạn san hô ở Hòn Mun. (Ảnh NGỌC HÒA)

Thợ lặn đo đạc, kiểm tra sự phục hồi của rạn san hô ở Hòn Mun. (Ảnh NGỌC HÒA)

Từ tháng 6/2022, khi cho tạm dừng các hoạt động lặn biển để tạo điều kiện cho các rạn san hô tự phục hồi, cứ ba tháng một lần, nhóm thợ lặn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang lại đi lặn thu thập hình ảnh, đo đạc độ phát triển của san hô để đánh giá dấu hiệu phục hồi.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang Đàm Hải Vân, đến nay, hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun đã có sự phục hồi đáng kể, nhưng rất chậm sau các biến cố. Điều này được giải thích bởi đặc điểm sinh học của các loài san hô cứng tạo rạn là chỉ tăng khoảng 1 cm/năm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, bước đầu đã có một số hiệu quả, bên cạnh việc rạn san hô đang có dấu hiệu hồi phục, rõ nhất là sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng về bảo tồn tính đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang và sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý vịnh Nha Trang đã tốt hơn. Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trong đó có phục hồi rạn san hô, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề tài "Tạo vườn ươm cung cấp nguồn giống san hô tạo rạn để phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang" do Ban Quản lý vịnh Nha Trang đề xuất. Tháng 12/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang tổ chức xét duyệt đề cương, thẩm định kinh phí thực hiện.

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái san hô, một trong những hoạt động được coi là vô cùng quan trọng là tạo sinh kế bền vững cho người dân trong khu vực gắn với bảo tồn rạn san hô Hòn Mun. Theo điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu Nguyễn Thị Thu Huyền, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Dự án "Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang" đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có việc tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn biển cho người dân ở Tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.

Một trong những tín hiệu rất đáng mừng là hiện nay Bích Đầm đang được tỉnh Khánh Hòa và các tổ chức quốc tế đầu tư xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng, đặt nơi này vào tổng thể không gian phát triển của vịnh Nha Trang; xác định không gian phát triển của Bích Đầm và khu vực biển Hòn Mun trong sơ đồ phân vùng chức năng vịnh Nha Trang. Người dân trong khu vực có sinh kế bền vững, việc bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun sẽ trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-sinh-ran-san-ho-hon-mun-5037989.html
Zalo