Dị thường phóng xạ Thái Bình Dương: 'Kẻ giấu mặt' từ vũ trụ
Một vụ bùng nổ phóng xạ bí ẩn đã được phát hiện sâu bên dưới Trung và Bắc Thái Bình Dương.
Khi phân tích nhiều lớp vỏ mỏng dưới đáy Thái Bình Dương, các nhà khoa học ở Đức đã xác định được sự gia tăng đột ngột của đồng vị phóng xạ beryllium-10 vào khoảng thời gian nào đó từ 9-12 triệu năm trước.
Đáng chú ý, beryllium-10 chỉ có thể được hình thành khi có sự can thiệp từ các yếu tố vũ trụ.

Bản đồ đánh dấu những khu vực có sự gia tăng đột ngột của đồng vị phóng xạ beryllium-10 ở Thái Bình Dương - Ảnh: GEBCO
Lượng beryllium-10 được phát hiện ở đáy biển Trung và Bắc Thái Bình Dương, nhưng nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà vật lý Dominik Koll từ Viện nghiên cứu Helmholtz-Zentrum Dresden-Rossendorf (Đức) cho rằng các vùng khác của Thái Bình Dương cũng vậy.
Người ta không biết sự gia tăng đột ngột này đến từ đâu, nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài ý tưởng.
Beryllium-10 tuy có liên quan đến các tác động vũ trụ nhưng cũng không phải là quá bất thường.
Nguồn gốc phổ biến nhất của chúng trên Trái Đất đến từ việc các tia vũ trụ tương tác với bầu khí quyển của Trái Đất.
Khi mưa từ bầu khí quyển rơi xuống và lắng xuống đại dương, đồng vị này sẽ được đưa vào quá trình phát triển cực kỳ chậm của một số lớp vỏ giàu kim loại sâu.
Mặc dù vậy, lượng beryllium-10 quá nhiều ở Thái Bình Dương là điều bất thường - gần gấp đôi so với mức thông thường - cho thấy phải có thứ gì đó gây ra tác động bổ sung.
TS Koll và các đồng nghiệp cho rằng có thể hơn 9 triệu năm trước đã có một cuộc "tái tổ chức" lớn của các dòng hải lưu, khiến các đồng vị này vô tình bị dồn vào Thái Bình Dương.
Hoặc có thể đây là một hiện tượng toàn cầu, liên quan đến vụ nổ kinh hoàng của một ngôi sao gần Trái Đất, gọi là siêu tân tinh.

Một siêu tân tinh - Ảnh minh họa: BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE
Siêu tân tinh xảy ra vào cuối đời các ngôi sao, bắn vật chất bên trong ngôi sao ấy đi rất xa. Bụi vũ trụ từ vụ nổ đó có thể đã xâm nhập hệ Mặt Trời và phủ một lớp đồng vị phóng xạ lên Trái Đất.
Ngoài ra, vụ nổ siêu tân tinh cũng có thể khiến các tia vũ trụ hoạt động cuồng nộ hơn trong một thời gian, khiến beryllium-10 được tạo ra trong bầu khí quyển tăng đột biến.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.