Mối lo ngại về tác hại của hạt vi nhựa đã bị phóng đại quá mức?
Trong khi nhiều báo cáo và nghiên cứu khoa học cảnh báo về nguy cơ vi nhựa đối với con người và môi trường, nhà khoa học Nga Alexei Khokhlov cho rằng những mối lo ngại này đang bị truyền thông phóng đại quá mức.

Tình nguyện viên dọn rác thải nhựa trên bờ biển ở Vịnh Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Vi nhựa là một trong những chủ đề về môi trường được thảo luận rộng rãi nhất hiện nay. Các phương tiện truyền thông thường nhấn mạnh đến tác hại của các hạt nano polyme đối với các sinh vật sống. Tuy nhiên, Trưởng khoa Vật lý polymer và tinh thể tại Đại học Tổng hợp Moskva và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Alexei Khokhlov đã nói rằng không có cơ sở khoa học nào cho những tuyên bố này. Ông cho rằng các hạt vi nhựa không gây nguy hiểm cho con người hơn các hạt gỗ hoặc bê tông siêu nhỏ, vốn tồn tại với số lượng lớn hơn nhiều trong môi trường.
Theo nhà khoa học người Nga, vi nhựa được định nghĩa là các mảnh vật liệu polyme có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Những hạt này có thể phân rã thành các mảnh nhỏ hơn nữa, thậm chí ở cấp độ micromet và còn có cả các hạt nano polyme. Cách đây khoảng 100 năm trước, ngành công nghiệp polyme gần như chưa tồn tại. Việc sử dụng nhựa phổ biến chỉ bắt đầu từ những năm 1950 và ngày nay, thế giới sản xuất khoảng 400 triệu tấn nhựa mỗi năm.
Những loại polyme chính bao gồm polyethylene, polypropylene, polyethylene terephthalate, polystyrene và polyvinyl chloride. Các vật liệu này được sử dụng để sản xuất màng bọc thực phẩm, bao bì và nhiều sản phẩm khác. Về cơ bản, con người đang sống trong một thế giới được bao quanh bởi polyme và cuộc sống hiện đại sẽ trở nên không thể tưởng tượng được nếu thiếu loại vật liệu này.
Cấu trúc phân tử của polyme bao gồm các chuỗi dài của các đơn vị monome. Ông Khokhlov cho biết rằng thật thú vị là chính cơ thể chúng ta cũng được tạo thành từ polyme, bởi vì protein, DNA và RNA đều là những chuỗi phân tử thuộc loại này.
Các loại vi hạt từ vật liệu tự nhiên và nhân tạo đều có thể thâm nhập vào trong cơ thể con người. Các hạt nano của bụi, cát và polyme tự nhiên như cellulose có thể đi vào tế bào. Bản thân gỗ về cơ bản là một vật liệu tổng hợp được tạo thành từ cellulose và lignin. Mỗi năm, thế giới sản xuất khoảng 2,5 tỷ tấn gỗ, trong khi sản lượng nhựa chỉ vào khoảng 400 triệu tấn. Con số này rất nhỏ so với polyme tự nhiên.
Bất kỳ vật liệu nào cũng sẽ phân rã thành các hạt nhỏ hơn khi tiếp xúc với môi trường. Tất cả các hạt nano đều có thể đi vào máu người, không chỉ riêng vi nhựa. Một ví dụ gần gũi trong cuộc sống là khi các bức tường dần dần phân hủy thành bụi và cát thì những thứ này cũng có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Không có bằng chứng nào cho thấy các hạt vi nhựa đặc biệt có hại.
Nhân loại đã chung sống với bụi thông thường trong hàng triệu năm và nó không gây hại cho chúng ta. Khi bất kỳ hạt nào đi vào cơ thể người, chúng sẽ được bao phủ bởi dịch sinh học "biocorona". Chất dịch này sẽ hình thành xung quanh các hạt và khiến chúng không thể tác động đến cơ thể con người. Quá trình này xảy ra với tất cả các hạt, bất kể thành phần của chúng là gì, kể cả vi nhựa. Đối với cơ thể, vi nhựa không có gì khác biệt so với bụi.
Hiện nay, nhựa chỉ chiếm 15% tổng lượng rác thải rắn. Đây là con số tương đối thấp và nồng độ vi nhựa trong môi trường vẫn ở mức tối thiểu. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khẳng định tác hại của vi nhựa thường sử dụng nồng độ cực kỳ cao, không phản ánh đúng tình trạng thực tế.
Ông Khokhlov đã lý giải lý do mà giới truyền thông và công chúng lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề tác hại của hạt vi nhựa đối với cơ thể. Ông nói rằng phương tiện truyền thông cần những câu chuyện giật gân. Ý tưởng rằng các hạt gỗ có thể xâm nhập vào tế bào người không gây sốc vì gỗ khác quen thuộc với con người và không ai tin rằng chúng có thể gây ra bất kỳ rủi ro nào. Trong khi đó, các polyme tổng hợp lại gợi lên nỗi lo sợ vì chúng là nhân tạo và không gần gũi bằng gỗ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy hạt vi nhựa có tính chất hoạt động khác với các loại hạt khác.
Thời gian qua truyền thông đã xuất hiện rất nhiều tranh luận về việc loại bỏ chai nhựa vì vi nhựa có thể xâm nhập vào nước uống. Tuy nhiên, những nghiên cứu sâu hơn cho thấy phần lớn vi nhựa có trong nước thực chất đến từ polyamide – một loại sợi tổng hợp được sử dụng trong ngành dệt may. Khi giặt các loại vải này, các hạt nhỏ sẽ theo nước thải ra môi trường và cuối cùng đi vào nguồn nước.
Khi được hỏi về sự thay thế đồ nhựa bằng các loại vật liệu không phân rã thành hạt vi nhựa hoặc các vật liệu làm từ các hạt thân thiện với con người và môi trường, ông Khokhlov cho rằng luôn có các lựa chọn thay thế, nhưng chúng thường đắt hơn rất nhiều. Mặt khác trong nhiều ngành, chẳng hạn như y tế, việc thay thế thực sự là không hề đơn giản khi nghĩ đến việc chuyển từ ống tiêm và găng tay dùng một lần sang loại tái sử dụng – một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cho con người.
Ở những khu vực có nguồn nước sạch không ổn định và điều kiện vệ sinh kém, các vật dụng dùng một lần và chai nhựa là phương tiện duy nhất giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn và các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bao bì nhựa không bị vứt bừa bãi ngoài môi trường mà được xử lý đúng cách. Trong tổng số 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, có 300 triệu tấn được đưa đến bãi chôn lấp hoặc lò đốt. Điều này đồng nghĩa với việc 100 triệu tấn không được xử lý theo cách “có trách nhiệm với môi trường” và đây là vấn đề quan trọng cần được quan tâm, giải quyết.
Mặt khác, nguồn phát thải hạt vi nhựa chính không phải là dụng cụ hay bao bì nhựa mà là từ quần áo tổng hợp khi giặt, lốp xe ô tô cũ, bụi đô thị, thậm chí cả vạch sơn đường và mảng sơn tàu biển. Điều này có nghĩa là nếu muốn loại bỏ vi nhựa, chúng ta sẽ phải từ bỏ việc lái xe hoặc việc sử dụng máy giặt. Việc này là gần như không thể với cuộc sống hiện đại ngày nay.