Hồi sinh không gian văn hóa nghệ thuật trong đời sống đương đại

Trong dòng chảy sôi động của đời sống hiện đại, bảo tàng Việt Nam đang tự viết lại vai trò của mình: Không chỉ lưu giữ văn hóa, mà còn là điểm hẹn nghệ thuật, nơi ký ức quá khứ gặp gỡ tinh thần thời đại - đầy sống động, hấp dẫn và không ngừng đổi mới.

Từng bị gắn mác là “tham quan một lần cho biết”, hệ thống bảo tàng tại Việt Nam từng bước lột xác, chuyển mình mạnh mẽ để dấn thân vào vai trò mới - một không gian văn hóa nghệ thuật sống, nơi quá khứ được kể lại bằng ngôn ngữ của công nghệ, nơi lịch sử chạm vào cảm xúc thông qua những trải nghiệm tương tác, nơi nghệ thuật được trao cơ hội để sáng tạo và lan tỏa.

Du khách tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam, lắng nghe các nhà thơ kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của hai vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ảnh: CHU HÒA

Du khách tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam, lắng nghe các nhà thơ kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của hai vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ảnh: CHU HÒA

Nơi ký ức cất lời và cảm xúc thẩm mỹ được đánh thức

Vài năm trở lại đây, một làn gió đổi mới đã thổi bừng sức sống vào hệ thống bảo tàng trên khắp cả nước. Từ biểu tượng của sự cũ kỹ, trầm mặc, bảo tàng Việt Nam đang dần thay da đổi thịt, trở thành những không gian kể chuyện sống động, chạm đến cảm xúc thẩm mỹ, đánh thức sự tò mò và khơi gợi kết nối cộng đồng.

Tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đang “lột xác” không gian trưng bày truyền thống bằng hàng loạt hoạt động trải nghiệm hướng đến học sinh, sinh viên và gia đình.

Từ việc thử làm nghề thủ công, thi tìm hiểu lịch sử, nghệ thuật truyền thống, đến tái hiện không khí Tết cổ truyền… mỗi trải nghiệm đều là một “cánh cửa” mở ra thế giới văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, được kể bằng ngôn ngữ của cảm xúc và sáng tạo.

Từ “nơi lưu giữ ký ức”, bảo tàng nay trở thành “nơi tạo ký ức” - nơi văn hóa nghệ thuật được sống lại, lan tỏa trong từng ánh mắt trẻ thơ, từng nụ cười gia đình.

Còn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nơi từng được xem là “kén khách”, làn sóng đổi mới cũng diễn ra đầy mạnh mẽ. Với kho hiện vật quý giá, bảo tàng đang cải tiến cách trưng bày, tổ chức các chuyên đề hấp dẫn và tận dụng mạng xã hội như một cánh tay nối dài tiếp cận công chúng.

Không dừng lại ở việc “trưng bày đẹp hơn”, bảo tàng chủ động mở sân chơi giáo dục với các mô hình sáng tạo như CLB “Em yêu lịch sử” - nơi học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông được “gặp gỡ” lịch sử bằng những trải nghiệm gần gũi, sinh động.

Sự ra đời của CLB tình nguyện viên HEC mới đây là một bước đi đầy kỳ vọng: Trẻ hóa bảo tàng, biến nơi đây thành một phần đời sống đương đại, không chỉ là điểm đến học thuật.

Trong khi đó, ở TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để lại dấu ấn sâu đậm bằng không gian mô phỏng nhà tù 3D ngoài trời - một trải nghiệm vừa chân thực, vừa ám ảnh.

Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ tái hiện cảm giác khắc nghiệt của nhà tù thời chiến, đưa người xem từ vai trò “khán giả” trở thành “người sống cùng ký ức”. Mỗi màn hình cảm ứng, mỗi tư liệu số là một lát cắt thời gian, là cuộc đối thoại nội tâm với lịch sử.

Ở đây, công nghệ không chỉ để làm mới hình thức, mà là nhịp cầu để lịch sử bước vào trái tim người xem, bằng cách chạm đến cảm xúc chân thật nhất.

Chạm vào trái tim người trẻ bằng nghệ thuật và trải nghiệm sống động

Trong bức tranh chuyển mình của công nghiệp văn hóa - được xem như động lực tăng trưởng mới của đất nước - các bảo tàng Việt Nam đang mạnh mẽ tái định vị vai trò của mình.

Không còn là “kho lưu trữ” tĩnh lặng, nơi thời gian đóng băng giữa các lớp bụi hiện vật, bảo tàng hôm nay đang thức dậy như một thực thể sống động: Biết kể chuyện, biết truyền cảm hứng, và quan trọng hơn - biết chạm đến thế hệ trẻ bằng thứ ngôn ngữ họ thấu cảm.

Nếu như trước đây, người trẻ đến bảo tàng trong tâm thế “đi cho biết”, thì giờ đây, họ quay lại với nhu cầu rõ ràng hơn: Được học hỏi, khám phá, trải nghiệm và kết nối với giá trị di sản qua lăng kính mới mẻ, giàu cảm xúc.

Và chính họ - thế hệ kế cận - mới là chìa khóa để di sản không chỉ được lưu giữ, mà còn được tiếp nối và phát huy trong tương lai.

Nắm bắt tinh thần ấy, nhiều bảo tàng trên cả nước đã chủ động “làm mới” chính mình: Thay đổi cách

trưng bày hiện vật theo chủ đề hay từng giai đoạn lịch sử, đưa công nghệ vào làm bạn đồng hành, từ hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ đến trưng bày đa phương tiện, thực tế ảo, tương tác kỹ thuật số… giúp việc tiếp cận kiến thức không còn khô cứng mà đầy lôi cuốn, hệ thống và cá nhân hóa.

Không gian bảo tàng cũng dần trở thành một sân chơi văn hóa nghệ thuật đúng nghĩa. Những hoạt động như workshop vẽ quạt truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội không chỉ thu hút khách trẻ mà còn giúp họ thực sự “sống trong văn hóa”.

Như chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Thủy (25 tuổi): “Mỗi nét cọ trên chiếc quạt truyền thống khiến mình như chạm vào hơi thở của một làng nghề cổ. Lần đầu tiên, mình thấy bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày - mà là nơi mình có thể thuộc về”.

Tour “Chữ Tâm, chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức vào các buổi tối cuối tuần, không chỉ đơn thuần là tham quan mà là một hành trình cảm thụ văn học qua âm thanh, ánh sáng, sân khấu hóa và giao lưu với các nhà văn, nhà thơ.

Mỗi không gian trưng bày trở thành một “sân khấu nghệ thuật”, nơi văn học được tái sinh bằng nhiều giác quan - vừa giải trí, vừa lắng đọng.

Theo ông Chu Hòa, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Văn học Việt Nam, yếu tố cá nhân hóa trải nghiệm là then chốt để đưa bảo tàng đến gần hơn với người trẻ.

Việc thiết kế tour theo nhóm đối tượng, kết hợp công nghệ kể chuyện hiện đại sẽ giúp “làm sống dậy quá khứ bằng ngôn ngữ của hiện tại” - từ đó tạo nên những kết nối bền vững hơn giữa di sản và đời sống đương đại.

THANH MAI - MỸ TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/hoi-sinh-khong-gian-van-hoa-nghe-thuat-trong-doi-song-duong-dai-128812.html
Zalo