TP.HCM - Hành trình thành điểm đến du lịch thông minh
TP.HCM đang từng bước chuyển mình thành điểm đến du lịch thông minh, nơi công nghệ không chỉ hỗ trợ trải nghiệm mà còn kể lại câu chuyện thành phố bằng ngôn ngữ hiện đại.
Du lịch trong thời đại số không còn đơn thuần là những chuyến đi. Nó là sự hòa trộn giữa khám phá, cảm xúc cá nhân và công nghệ hỗ trợ. TP.HCM đang từng bước định hình mình như một điểm đến du lịch thông minh, không phải bằng lời tuyên bố mà bằng những mô hình cụ thể, những hành động có hệ thống, với công nghệ là chất xúc tác để nâng cao trải nghiệm và năng lực phục vụ.
Hành trình đó bắt đầu bằng một tầm nhìn rõ ràng. Trong nhiều năm, ngành du lịch TP.HCM đã không ngừng tìm kiếm hướng đi để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi xu hướng cá nhân hóa và công nghệ hóa trong du lịch ngày càng chiếm ưu thế. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ là lựa chọn, mà còn là điều tất yếu nếu muốn phát triển bền vững.
Kết quả trong 3 tháng đầu năm 2025 cho thấy bước đi này đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Tổng doanh thu du lịch thành phố đạt hơn 56.662 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 21,8% kế hoạch năm. TP.HCM đã đón khoảng 1,63 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 18%; và gần 8,57 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,3% so với quý 1/2024. Đây là những con số cho thấy sức hút thực sự của thành phố trong bối cảnh thị trường đang phục hồi mạnh mẽ.

Chợ Bến Thành - một trong 50 biểu tượng du lịch của TP.HCM - Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Một trong những mô hình đầu tiên và nổi bật là bản đồ du lịch thông minh tương tác 3D/360. Chỉ với một chiếc điện thoại, du khách có thể đứng ngay trung tâm Sài Gòn mà vẫn khám phá được địa đạo Củ Chi, Bảo tàng TP.HCM, chợ Bến Thành hay Nhà thờ Đức Bà bằng hình ảnh thực tế ảo sống động.
Bản đồ không chỉ cung cấp hình ảnh mà còn tích hợp hơn 50 video 2D, audio thuyết minh song ngữ và các tour tự động theo từng chủ đề. Việc tạo ra một không gian thị giác sống động từ xa khiến ranh giới giữa “đi” và “trải nghiệm” được thu hẹp lại. Với hơn 450 ảnh và video 360 độ, bản đồ du lịch TP.HCM không chỉ là công cụ quảng bá, mà còn là lời mời gọi đầy hấp dẫn cho du khách chưa từng đặt chân đến thành phố.

Bưu điện Trung tâm - điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến TP.HCM - Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Cùng với đó, các bảo tàng tại TP.HCM đang từng bước chuyển mình thành những bảo tàng số. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một ví dụ tiêu biểu khi ứng dụng mô hình Smart Museum với công nghệ thực tế ảo, cho phép du khách tham quan từ xa, tương tác với hiện vật, lắng nghe câu chuyện thuyết minh sống động. Không chỉ là nơi trưng bày, bảo tàng giờ đây là không gian mở, nơi lịch sử và công nghệ gặp nhau để kể lại quá khứ bằng một giọng điệu mới, phù hợp với thời đại. Các bảo tàng khác như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ kể chuyện bằng hộp thông minh, cho phép người dùng tương tác trực tiếp mà không cần người hướng dẫn.

Du lịch sông nước đang là thế mạnh của TP.HCM - Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Trong khi trung tâm thành phố tập trung vào các mô hình thực tế ảo và dữ liệu hóa điểm đến, thì vùng ven và các huyện ngoại thành lại đẩy mạnh du lịch nông thôn kết hợp chuyển đổi số. Một chiến lược thông minh khi TP.HCM muốn mở rộng không gian du lịch mà vẫn giữ được tính đặc sắc của từng khu vực. Các điểm đến nông nghiệp, làng nghề, trang trại sinh thái được số hóa toàn bộ, tích hợp trên bản đồ du lịch thành phố. Không chỉ có hình ảnh, mà còn là giao diện mua sắm sản phẩm OCOP, thanh toán điện tử, đặt dịch vụ online và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cách mà công nghệ không làm mất đi sự mộc mạc của du lịch nông thôn, mà ngược lại, làm tăng tính tin cậy, tiện lợi và trải nghiệm có chiều sâu hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM giới thiệu về tour du lịch đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - Ảnh: Tiểu Vũ
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về quá trình chuyển đổi số để đưa TP.HCM trở điểm du lịch thông minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là động lực quan trọng để phát triển ngành du lịch TP.HCM. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách”.
Video phát biểu của bà Nguyễn Thị Ánh Hoa về chuyển đổi số phát triển du lịch ở TP.HCM
Một nền du lịch thông minh cần một hệ thống vận hành thông minh. TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh, gọi tắt là IOC. Nếu thành công, đây sẽ là nơi tích hợp dữ liệu du lịch toàn thành phố, từ số lượng du khách, lịch trình các sự kiện, hệ thống thanh toán đến phân tích hành vi người dùng. Trung tâm này không chỉ phục vụ quản lý mà còn giúp các cơ quan điều hành đưa ra quyết sách chính xác hơn. Một thành phố không thể phát triển du lịch hiệu quả nếu không có cái nhìn toàn diện từ dữ liệu.

Bến Nhà Rồng - địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử của TP.HCM
Không thể không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn và dịch vụ giải trí tại TP.HCM đã áp dụng công nghệ rất sớm. Từ phần mềm quản lý tích hợp hệ thống đặt phòng, hệ thống kết nối kênh bán hàng OTA, đến việc sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ AI phục vụ cá nhân hóa dịch vụ và các thiết bị chụp ảnh 360 độ tại điểm đến. Một số khách sạn cao cấp đã trang bị hệ thống điều khiển phòng bằng giọng nói, trải nghiệm thực tế ảo tại khu lễ tân và các tiện ích số dành riêng cho khách quốc tế.

Công viên bờ sông Thủ Đức trở là điểm đến hấp dẫn cho du khách
Tất nhiên, hành trình này không dễ dàng. TP.HCM vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều. Một số điểm đến vẫn lúng túng trong triển khai thiết bị. Sự phối hợp giữa các sở ngành và doanh nghiệp còn có độ trễ. Cơ chế đầu tư cho công nghệ trong du lịch vẫn còn gò bó. Tuy nhiên, điều quan trọng là thành phố đã bắt đầu và đi đúng hướng. Giải pháp không chỉ nằm ở việc trang bị máy móc, mà còn ở chỗ đào tạo con người, xây dựng chính sách linh hoạt, tạo ra môi trường thử nghiệm cởi mở để doanh nghiệp công nghệ có cơ hội tham gia sâu hơn vào ngành du lịch.

Cột cờ Thủ Ngữ, địa điểm du lịch văn hóa lịch sử của TP.HCM - Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Ở một đô thị năng động như TP.HCM, việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại là yếu tố cốt lõi để làm nên sức bật mới. Những điểm đến như chợ Bến Thành, Bưu điện trung tâm hay các quán ăn vỉa hè có thể giữ nguyên hình hài vật lý, nhưng trải nghiệm đi kèm thì đang thay đổi mỗi ngày. Người ta vẫn có thể uống cà phê sữa đá ở một góc đường Nguyễn Huệ, nhưng khi họ có thể tra cứu lịch sử quán bằng mã QR, gọi món qua app và chia sẻ cảm xúc qua ảnh 360 độ, thì bản thân trải nghiệm ấy đã được nâng tầm.

Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai - điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến TP.HCM - Ảnh: Cao Kỳ Nhân
TP.HCM đang nỗ lực trong cuộc đua số hóa du lịch, tuy nhiên thành phố không chạy theo công nghệ chỉ để gây ấn tượng mà đang tạo ra hiệu quả rất lớn khi nhìn vào số liệu tăng trưởng du lịch trong những năm gần đây. TP.HCM đã chọn cách dùng công nghệ như một công cụ để phục vụ con người, giữ chân du khách, và kể lại câu chuyện của mình một cách sinh động và hiện đại hơn. Khi công nghệ bắt tay với văn hóa, với lịch sử, với ký ức đô thị, du lịch mới thực sự trở thành một hành trình đáng nhớ.
Clip giới thiệu biểu tượng 50 năm du lịch TP.HCM