Hội nhập kinh tế quốc tế với tâm thế, vị thế mới

Những ngày tháng 4, cùng với không khí của Đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), dấu ấn Việt Nam cũng hiện hữu nhiều hơn từ các sự kiện ngoại giao, kinh tế, khẳng định một vị thế mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 14/4. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 14/4. Ảnh: TTXVN

Những ngày tháng 4 đáng nhớ!

Những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản cho đến cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ, hay Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) – quy tụ hơn 1.000 đại biểu đến từ 46 quốc gia và tổ chức quốc tế… đã cho thấy một vị thế Việt Nam, sẵn sàng cho kỷ nguyên mới.

Không chỉ dừng lại là dấu ấn ngoại giao thuần túy, các sự kiện nói trên cũng được cộng đồng doanh nghiệp chờ đón với sự quan tâm đặc biệt. Hiệu ứng tác động và cả hiệu quả kinh tế là không hề nhỏ.

Đơn cử như, từ chuyến thăm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tới Việt Nam (ngày 14-15/4/2025), hai quốc gia đã đi đến thống nhất nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có những nội dung quan trọng về phát triển hạ tầng, kinh tế.

Có thể kể đến việc ưu tiên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu; tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối các chiến lược phát triển vùng giữa hai nước; cùng khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Hoan nghênh doanh nghiệp hai nước hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 5G; Hoan nghênh việc ký Nghị định thư đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cùng tham dự Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn, ngày 28/4/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cùng tham dự Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn, ngày 28/4/2025.

Hay như với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tới Việt Nam (ngày 27-29/4) vừa qua, nhiều ngành, lĩnh vực chiến lược của Việt Nam cũng sẽ có được nguồn lực phát triển mới. Có tới 15 nội dung sẽ được Việt Nam - Nhật Bản thống nhất thực hiện để cùng hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế 2 bên. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến việc Việt Nam - Nhật Bản cùng nhất trí nghiên cứu khả năng hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử, DX/GX, năng lượng, cơ sở hạ tầng chiến lược, phòng chống thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng...

Hai Thủ tướng hoan nghênh đề xuất Danh mục fact – sheet kèm theo về các dự án hợp tác Việt – Nhật (giai đoạn 1) với tổng quy mô khoảng 20 tỷ USD và những tiến triển về hợp tác công – tư giữa JBIC và các doanh nghiệp Nhật Bản trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và nhất trí thúc đẩy hợp tác nhằm hiện thực hóa các dự án này, cũng như các nỗ lực hơn nữa về các dự án phát điện sinh khối.

Hai Thủ tướng nhất trí đưa hợp tác trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành trụ cột mới trong quan hệ song phương Việt Nam – Nhật. Đồng thời, hai bên cùng nhất trí về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn; cam kết tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, hướng tới mục tiêu đào tạo 500 tiến sĩ ngành bán dẫn của Việt Nam…

Bên cạnh sự kiện ngoại giao với 2 quốc gia có ảnh hưởng ở khu vực châu Á, trong tháng 4, dấu ấn Việt Nam cũng được gắn nhiều với vấn đề chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Sự việc bắt đầu bằng việc cái tên Việt Nam xuất hiện trong danh sách các quốc gia bị Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên tới 46% vào ngày 2/4. Chỉ sau đó 2 ngày, hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đem đến những thông điệp tích cực. Hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương; đồng thời khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết. Diễn biến sau đó, như đã biết, Mỹ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam trong thời gian 90 ngày; hai bên đang bắt đầu quá trình đàm phán, nhằm đi đến thống nhất một thỏa thuận về một mức thuế mới.

Vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới

Đại hội Đảng lần thứ IX lần đầu tiên đề ra chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội Đảng lần thứ XI đánh dấu một bước chuyển trong tư duy từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực”. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế là sự cụ thể hóa đường lối hội nhập quốc tế với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Gần đây nhất, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng chiến lược này một lần nữa được phát triển, hoàn thiện hơn thành “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng có hiệu quả”.

Có thể khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và thực hiện chính sách đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 1995, khi Việt Nam gia nhập ASEAN và Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới thực sự sâu rộng.

Từ thành công bước đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục tham gia và chủ trì nhiều diễn đàn quan trọng của khu vực như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế Á - Âu, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 - đánh dấu sự hội nhập toàn diện và đầy đủ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất.

Việt Nam đã tham gia sáng lập và thực hiện có trách nhiệm các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Tính đến quý I/2025, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Các hiệp định này đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoáng 90% GDP toàn cầu.

Việt Nam từ một quốc gia có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD. Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, nhất là các FTA đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Đây là những minh chứng đậm nét về những dấu ấn thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng. Quan trọng hơn, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu. Việt Nam được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đánh giá cao. Song song với đó, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, những tập đoàn đa quốc gia tìm đến, đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, những câu chuyện thời sự trong tháng 4/2025 - là lát cắt không thể tiêu biểu hơn để minh chứng cho sự hội nhập của Việt Nam đối với quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Để Việt Nam có được một vị thế hôm nay là cả một hành trình dài, từ ý chí đấu tranh trung dũng, kiên cường của nhiều thế hệ cha ông đã đứng lên giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến quá trình vươn mình trỗi dậy, vượt qua những khó khăn, thách thức sau chiến tranh, từng bước đổi mới phát triển kinh tế.

Dù vậy, dòng chảy thời cuộc vẫn luôn biến đổi không ngừng nghỉ. Trong lĩnh vực kinh tế, luôn xuất hiện những biến động khó lường, đòi hỏi luôn phải cố gắng thích ứng cho phù hợp. Hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy, đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025, của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của Đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng phân tích, Đảng ta xác định hội nhập quốc tế là chiến lược quan trọng nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế giới. Hội nhập quốc tế đã từng bước phát triển qua các thời kỳ, từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ, hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu đến “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện” hiện nay. Trong bối cảnh Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế.

Đây sẽ là những định hướng chiến lược để hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả, tạo nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Minh Đức

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-voi-tam-the-vi-the-moi.html
Zalo