Hội Đông y tỉnh: Phát triển và bảo tồn y học cổ truyền
Cùng với hệ thống y tế cơ sở, những năm qua, mạng lưới y tế đông y trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Ông Đặng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, hiện nay, hội đã hình thành được mạng lưới 3 cấp; 100% huyện, thị xã, thành phố đều có hoạt động của hội. Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng điều trị, hội đã duy trì khá tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò nòng cốt của hội trong sự nghiệp phát triển đông y tỉnh; bảo tồn, phát huy vốn quý y học cổ truyền.

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại Hội Đông y tỉnh.
Cùng với hoạt động khám, điều trị đông y bằng phương pháp cũ, hội kết hợp với các cơ sở y dược cổ truyền tư nhân, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện triển khai phương pháp kết hợp điều trị y học cổ truyền và y học hiện đại thông qua việc sử dụng kết quả X-quang, xét nghiệm, CTScan… để hỗ trợ cho việc chẩn đoán. Đồng thời, ứng dụng các thiết bị hiện đại như: Điện châm, sóng ngắn, siêu âm… điều trị các bệnh thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, đau cột sống, di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não, liệt thần kinh số 7... Đáng chú ý, hội đã áp dụng phương pháp kết hợp đông - tây y để hỗ trợ chữa trị ung thư, giúp kéo dài sự sống; phối hợp tây y với bấm huyệt trong điều trị liệt mặt, đem lại hiệu quả phục hồi tốt.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ lương y, bác sĩ y học cổ truyền, hằng năm, hội kết hợp với Trường Đại học Y dược, Viện Y dược dân tộc TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về y dược cổ truyền cho hơn 100 lượt cán bộ và hội viên. Các cấp hội tổ chức các hội nghị tâm đắc thừa kế để hội viên trao đổi kinh nghiệm về khám, chữa bệnh, chia sẻ các bài thuốc quý. Riêng Hội Đông y tỉnh đã sưu tầm, lưu giữ hơn 300 bài thuốc hay điều trị các bệnh về cơ xương khớp, suy nhược thần kinh, phong thấp, xơ gan cổ trướng, hen suyễn, sỏi mật… Các huyện, thị, thành hội sưu tầm, cung cấp hơn 100 loài dược liệu hỗ trợ các trạm y tế xây dựng vườn thuốc nam mẫu. Song song đó, hội đã phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y dược cổ truyền, sản xuất dược liệu, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý. Hiện nay, có 223 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc đông dược là hội viên Hội Đông y…
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hữu Lộc, hoạt động của Hội Đông y tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của một số đơn vị y học cổ truyền chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ kế cận trong lĩnh vực y học cổ truyền; việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu cũng gặp khó khăn. Cùng với đó, hoạt động xã hội hóa trong đông y ở tỉnh chưa phát triển về mức độ đầu tư, chưa phong phú về loại hình, chủ yếu phát triển loại hình phòng chẩn trị y học cổ truyền; chưa có hợp tác quốc tế về phát triển đông y…
Để thực hiện tốt công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh, ông Đặng Hữu Lộc kiến nghị các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y dược cổ truyền; có cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ trẻ có nguyện vọng theo học y dược cổ truyền. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại. Các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu các chính sách phát triển dược liệu, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các bài thuốc cổ truyền trong điều trị…