Bị đau dạ dày, nhưng nguyên nhân lại đến từ gan
Chứng can huyết ứ trệ sẽ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, trong đó có dạ dày. Theo Đông y, điều dưỡng cho gan, góp phần giảm được các chứng đau tức thượng vị.

Theo Đông y, tình trạng can huyết ứ trệ có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Ảnh: H.B.
Theo lý luận của Đông y, khí và huyết là hai nhân tố quan trọng nhất trong cơ thể con người. Khí thuộc dương, huyết thuộc âm; khí là động lực, huyết là nền tảng; khí là tướng lĩnh của huyết và huyết lại là mẹ của khí, vì vậy khí trệ thường đi liền với huyết ứ. Phụ nữ rất dễ mắc chứng can uất khí trệ, do đó cũng dễ xuất hiện tình trạng can huyết ứ. Vậy huyết ứ sẽ có ảnh hưởng gì?
Cảnh nhạc toàn thư - Huyết chứng cho biết: “Con người có âm dương, chính là huyết khí. Dương chủ khí, khí đủ thì tinh thần sẽ tỉnh táo; âm chủ huyết, huyết thịnh thì ngoại hình sẽ khỏe khoắn.
Con người dựa vào nguyên lý đó để duy trì cuộc sống.” Do đó nếu một người xuất hiện tình trạng can huyết ứ sẽ dẫn đến “thần bất vượng, hình bất cường”. Có thể bạn sẽ thắc mắc, không phải máu càng nhiều càng tốt hay sao? Nhưng vấn đề là huyết ứ thuộc “túc huyết”, sẽ làm mất chức năng sinh lý của máu bình thường, và chúng đã biến đổi từ chất tốt thành chất xấu.
Bây giờ bạn có thể đối chiếu các triệu chứng sau với tình trạng của bản thân để xem mình có bị can huyết ứ hay không: da sạm, xỉn màu, thô ráp, khô, dễ rụng tóc và cảm thấy lượng tóc rụng ngày càng nhiều, quầng thâm mắt rõ, mí mắt chuyển sang màu đen tím; màu môi sẫm hơn.
Đặc biệt là phần viền môi, thậm chí còn chuyển sang màu tím than; lưỡi màu tím than, có các đốm hoặc tụ máu màu tím; đau bụng kinh thường xuyên; thường cảm thấy hai bên lườn đau nhói, bị sưng; lúc nào cũng đầy bụng, khi ấn vào thấy khó chịu; bề mặt móng tay sần sùi hoặc có các vệt trắng, móng tay dày và cứng hơn.
Vì huyết ứ thường do khí trệ gây ra nên mới có các triệu chứng kể trên. Ví dụ, hai bên lườn sưng đau là do khí ứ trệ lâu ngày khiến gan rối loạn, nên khí uất kết thành cục, vì vậy khi sờ mới thấy sưng.
Bên cạnh những triệu chứng can huyết ứ điển hình, nhiều bệnh nhân can huyết ứ còn gặp vấn đề liên quan tới các cơ quan khác. Ví dụ, can khí uất kết khiến gan mất đi sự hài hòa, ảnh hưởng sang dạ dày khiến can vị hoặc can tỳ bất hòa, khí huyết tắc nghẽn cũng dẫn tới đau dạ dày. Kiểu đau dạ dày này sẽ trầm trọng hơn khi bệnh nhân gặp vấn đề không thuận lợi, hay cáu giận hoặc u uất.
Nên nếu ai đó “tức đến mức đau dạ dày”, có nghĩa là can khí của họ đã xâm phạm vào dạ dày, nếu chỉ uống thuốc đau dạ dày sẽ không hiệu quả, cần phải sơ can để làm dịu dạ dày.
Ngoài ra, những người thích ăn đồ dầu mỡ và đồ ngọt, lượng mỡ máu trong cơ thể cao hoặc ít uống nước đều sẽ khiến máu trong cơ thể đặc hơn, khí gặp khó khăn trong quá trình vận hành làm khí huyết ứ trệ, tắc nghẽn; đối với người dương hư khí hư, lực đẩy của khí không đủ dẫn tới tốc độ vận chuyển máu chậm trễ.
Máu chảy bình thường thì sẽ khó bị ứ đọng, còn nếu tốc độ chảy quá chậm sẽ dễ bị uất kết. Thiếu dương cũng dẫn tới hiện tượng hàn ngưng và gây ra huyết ứ. Người lười vận động dễ bị tụ máu. Theo thuật ngữ của y học hiện đại, sức co bóp của cơ tim tương đối kém nên chức năng bơm máu của tim không đủ mạnh, khí huyết lưu thông chậm, từ đó dễ gây huyết ứ.
Từ những nguyên nhân gây ra huyết ứ kể trên, chúng ta có thể thấy phụ nữ rất dễ bị tụ máu. Cơ thể của phụ nữ thuộc âm, vận động sẽ giúp sinh dương, các chị em không thường xuyên vận động nên tay chân lạnh, đó là dấu hiệu điển hình của cơ thể có tính hàn, thiếu dương. Hơn nữa, phái đẹp thường rất kỹ tính, thích tính toán so đo, thích ăn đồ ngọt…
Các đặc điểm này đều dễ dẫn tới huyết ứ. Cho nên, các chị em cần đặc biệt chú ý quan sát các biểu hiện trên cơ thể mình. Trong cuộc sống thường nhật, phụ nữ mắc chứng can huyết ứ cần hạn chế ăn các thực phẩm có tính hàn, vị chát, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết; ngoài ra cũng cần bổ sung các loại thực phẩm hoạt huyết, hóa ứ để thúc đẩy sự lưu thông của khí huyết.