Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết của Mỹ về xung đột Nga - Ukraine

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo kêu gọi 'chấm dứt nhanh chóng' cuộc xung đột ở Ukraine. Cả Washington và Mátxcơva đều mô tả động thái này là một bước tiến đáng kể hướng tới hòa bình.

Cuộc họp ngày 24/2 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AP)

Cuộc họp ngày 24/2 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AP)

Hội đồng gồm 15 thành viên đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ 10 phiếu thuận, không có phiếu chống. Năm quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết không chỉ trích Mátxcơva, bất chấp nỗ lực của Pháp, Anh, Đan Mạch và Slovenia để đưa những câu từ phản đối Nga vào văn bản.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - Vassily Nebenzia - hoan nghênh nghị quyết, nhấn mạnh rằng Mátxcơva coi đây là nền tảng cho các nỗ lực hòa bình tiếp theo. Ông thừa nhận những thay đổi mang tính xây dựng trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine, và mô tả nghị quyết này là nỗ lực đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm đưa ra một văn bản thực tế, hướng tới tương lai.

Tuy nhiên, ông Nebenzia bày tỏ sự thất vọng khi các sửa đổi do Nga đề xuất không được chấp nhận. Theo đại sứ, những thay đổi này “khiêm tốn nhưng rất quan trọng, giúp đánh giá chính xác về cuộc khủng hoảng”. Ông chỉ trích các phái đoàn châu Âu vì những gì ông mô tả là “nỗ lực ngăn cản diễn biến tích cực mới”.

Pháp và Anh không phủ quyết nghị quyết này, nhưng cả hai quốc gia đều bỏ phiếu trắng sau những nỗ lực không thành công nhằm trì hoãn quyết định cuối cùng.

"Họ cố gắng đưa vào văn bản những tuyên bố mất cân bằng, chính trị hóa, không giúp ích gì trong việc đạt được hòa bình, mà thay vào đó là nhằm mục đích làm chệch hướng mọi giải pháp tiềm năng", ông Nebenzia nói. Đại sứ Nga cáo buộc các nước châu Âu là bên duy nhất tích cực thúc đẩy việc tiếp tục các hành động thù địch và phản đối những sáng kiến hòa bình thực tế.

Ông Nebenzia tuyên bố, rằng nghị quyết này cho thấy một cái nhìn thoáng qua về sự hợp tác mang tính xây dựng giữa các bên về an ninh châu Âu và quốc tế, mang lại sự lạc quan thận trọng. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên quá tự tin, cáo buộc Kiev và châu Âu cản trở các nỗ lực ngoại giao.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả những người thực sự tìm kiếm hòa bình bền vững ở Ukraine không để Kiev và đồng minh ngăn cản những gì mà Nga và Mỹ đang thực hiện", ông Nebenzia thúc giục.

Quyền Đại sứ Mỹ Dorothy Shea cũng ca ngợi việc thông qua nghị quyết là một bước tiến quan trọng. "Nghị quyết này đưa chúng ta đến con đường hòa bình. Đây là bước đầu tiên, nhưng là bước quan trọng, một trong những bước mà tất cả chúng ta nên tự hào", bà nói. "Bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế".

Trước đó cùng ngày, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên đã thông qua hai nghị quyết, một do Ukraine và châu Âu soạn thảo, một do Mỹ soạn thảo. Nghị quyết của Mỹ đã được hội đồng sửa đổi để bao gồm những ngôn từ ủng hộ Ukraine.

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ukraine và châu Âu đã đàm phán với các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trong suốt một tháng qua về nghị quyết của riêng họ liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, trong đó lặp lại yêu cầu rằng Nga phải rút quân và ngừng giao tranh.

Bản dự thảo của Mỹ không đề cập đến điều này, mà bày tỏ thương tiếc về những mất mát trong "cuộc xung đột Nga - Ukraine", nhắc lại rằng mục đích chính của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời giải quyết các tranh chấp. Mỹ "kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, tiếp tục xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga".

Nghị quyết của Mỹ nhận được 93 phiếu thuận tại cuộc họp, trong khi 73 quốc gia bỏ phiếu trắng và tám quốc gia bỏ phiếu chống.

Nghị quyết của Ukraine và các nước châu Âu nhận được 93 phiếu thuận, 65 phiếu trắng và 18 phiếu chống. Cùng với Mỹ, một số quốc gia khác bỏ phiếu chống là Nga, Triều Tiên và Israel.

Các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có quyền phủ quyết các nghị quyết. Và lá phiếu của Đại hội đồng được theo dõi chặt chẽ như một thước đo dư luận thế giới. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, không giống như các nghị quyết do Hội đồng Bảo an thông qua.

Minh Hạnh

Theo Reuters, RT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-thong-qua-nghi-quyet-cua-my-ve-xung-dot-nga-ukraine-post1719931.tpo
Zalo