'Hội chứng Việt Nam' và những dằn vặt
Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người đã ra lệnh không kích vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố năm 1972 hòng 'đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ Đồ đá' đã cay đắng thừa nhận: 'Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta là không biết một trong những quy luật của chiến tranh. Đó là, đừng bao giờ bước vào cuộc chiến tranh, nếu không biết cách nào để ra khỏi cuộc chiến tranh đó'. Nhiều chính khách, tướng lĩnh quân đội, giới nghiên cứu và truyền thông phương Tây cùng chung nhận định: Nước Mỹ đã phải trả một cái giá quá đắt trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Sai lầm khủng khiếp, cái giá nặng nề
Từ nhiều điểm nhìn, giới chính trị gia của Xứ Cờ hoa có những nhận định khác nhau nhưng đều thừa nhận thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, được coi là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam rất tự tin khi tuyên bố, “mỗi một phép đo mang tính định lượng đều cho thấy chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này”. Để rồi chính vị bộ trưởng “diều hâu” đã trở thành tội đồ trong mắt nhiều người dân Mỹ.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và những bài học từ Việt Nam”, ông Robert McNamara thừa nhận: “Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì mà chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng tôi đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó”... “Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao sai lầm như vậy”.
Chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn mang tên Linebacker II mùa Đông năm 1972 thất bại, những pháo đài bay B52 được coi là “bất khả xâm phạm” cháy rực bầu trời Hà Nội. Không chỉ chịu đòn đau trên các chiến trường, nước Mỹ đối mặt với phong trào phản chiến rộng khắp và sự chia rẽ sâu sắc. Tổng thống Richard Nixon chua chát: “Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải giới cầm quyền nước Mỹ chỉ thua trên chiến trường. Nó còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của Quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các buồng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, trong các buồng chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Georgetown, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn, đó là các tầng lớp đã đưa lại sự mạnh mẽ, bảo đảm thắng lợi trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam”.
Còn Đại tướng Mỹ Maxwell Taylor - cha đẻ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" tại Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chúng tôi cũng nằm trong số đó”.
Thất bại trong chiến tranh Việt Nam là một sự trả giá và cũng là bài học đắt giá với nước Mỹ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam và thống nhất Việt Nam; đồng thời đặt câu hỏi lớn trong lòng nước Mỹ “Vì sao Mỹ thất bại?” và “hội chứng Việt Nam” kéo dài theo năm tháng.
Tháng 6-2020, trong bức thư gửi cựu binh thủy quân lục chiến Colin Breussard, Tổng thống Gerald Ford viết: “Tháng 4-1975 chắc chắn là một thời điểm khắc nghiệt, mãi mãi không làm phôi pha nỗi đau buồn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của tôi. Tôi cầu xin để những Tổng thống Mỹ sau này không bao giờ phải đứng trước những quyết định tàn nhẫn như tôi đã từng... 25 năm qua, tôi vẫn còn day dứt và mãi mãi khóc thương cho 2.500 lính Mỹ tới bây giờ vẫn còn mất tích... Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời...”.
“Vì sao Mỹ thất bại?” giới chính trị, các nhà nghiên cứu lịch sử, những người từng đến, từng tham chiến tại Việt Nam có những lý giải, nhận định khác nhau nhưng đều dành cho người “bên kia chiến tuyến” sự tôn trọng đặc biệt.
"Hội chứng Việt Nam" đã khắc sâu trong không ít người Mỹ và cùng với chiều dài năm tháng, phần nào họ đã tìm được câu trả lời cho chính mình. Sau khi ra mắt cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và những bài học từ Việt Nam”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara nói với báo giới: “Thời gian quả là dài nhưng giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”.
Với dân tộc Việt Nam, Henry Kissinger - nhà ngoại giao có tầm ảnh hưởng đặc biệt tại Xứ Cờ hoa và cũng là người ký vào Hiệp định Paris chấp nhận rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam, trong một cuộc nói chuyện với người đứng đầu Nhà Trắng đã đưa ra nhận định: “Với người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt - họ là một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn nhưng lại có một lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm mà bất kể một dân tộc nào trên thế giới cũng chưa từng phải trải qua - kiên cường, bất khuất, thông minh, chịu đựng, cần cù, gan dạ, anh dũng, nhân đạo và thân thiện là tất cả những gì đều có ở dân tộc này…”.
Lịch sử để lại những bài học đau đớn về chiến tranh và sự tàn phá, Giáo sư Drew Gilpin Faust của Đại học Harvard nói với sinh viên Việt Nam: “Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”.