Hội chứng mệt mỏi sau kỳ nghỉ Tết

Chán nản, uể oải, chưa sẵn sàng trở lại công việc là hội chứng nhiều người gặp phải sau nghỉ Tết dài.

“Ước gì hôm nay mới là 28 Tết”, chị Như Quỳnh (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) than thở trong những ngày đi làm trở lại sau Tết. Kỳ nghỉ Tết 9 ngày, chị Quỳnh dành trọn thời gian dọn dẹp nhà cửa, quây quần bên gia đình, bạn bè. Lịch sinh hoạt của các thành viên trong gia đình thay đổi khá nhiều, ngày nào cũng “bình minh” lúc 9 - 10h sáng.

Chị đi làm trong tâm trạng uể oải, tiếc nuối và chỉ ước được nghỉ thêm để cả nhà nghỉ ngơi, quây quần bên người thân lâu hơn.

Chị Quỳnh nhận ra chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu cân bằng, không lành mạnh trong kỳ nghỉ, ngủ dậy muộn, ăn bữa sáng và bữa trưa làm một, sử dụng nhiều đồ ăn có đường, chất béo khiến cơ thể mệt mỏi. Đây cũng là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tâm trạng làm việc của chị.

Sau nghỉ Tết, chị Quỳnh không còn hứng thú làm việc. (Ảnh: NVCC)

Sau nghỉ Tết, chị Quỳnh không còn hứng thú làm việc. (Ảnh: NVCC)

Dậy sớm đi làm, bắt nhịp công việc sau kỳ nghỉ Tết dài khiến anh Nguyễn Nhật (30 tuổi, Hà Nội) thấy như cơn ác mộng. Cả tuần qua, anh đến cơ quan với tâm lý nặng nề, chán nản, u uất, không muốn bật máy tính làm việc, chỉ muốn tụ tập bạn bè tán gẫu và chờ đến giờ tan làm để về.

Người đàn ông thừa nhận, lý do bản thân chưa sẵn sàng quay trở lại công việc sau Tết là bởi những chuyến đi chơi liên tục trong ngày lễ khiến bản thân kiệt sức, không đủ năng lượng để trở lại guồng quay công việc.

Theo bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, việc cạn kiệt năng lượng sau Tết là tình trạng nhiều người gặp phải, dấu hiệu như uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống.

Tâm lý chán nản, hụt hẫng, thất vọng, không thể bắt nhịp với công việc sau những kỳ nghỉ lễ, Tết, các chuyến du lịch là chuyện phổ biến ở nhiều người. Thậm chí, trên thế giới còn có tên gọi riêng đặt cho hội chứng này là “Post-Holiday blues - căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ”.

Tại châu Âu, Mỹ, hiện tượng này thường diễn ra vào mùa đông, khi các kỳ nghỉ lễ như Giáng sinh, năm mới liên tục diễn ra. Ở Nhật Bản, các kỳ lễ dài thường tập trung vào tháng 5, đây là thời điểm ghi nhận hội chứng “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ” diễn ra ở người lao động.

Thực tế, những ngày nghỉ Tết thảnh thơi, thoải mái khiến mọi người nảy sinh tâm lý “chống lại” với nhịp sống và làm việc vốn dĩ quen thuộc. Vì vậy, khi trở lại với công việc, nhiều người chán nản về tinh thần.

Chưa kể, những ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian tụ tập liên tục khiến việc thức khuya, dậy muộn, ăn uống không đúng bữa là điều không thể tránh khỏi. Điều này khiến thói quen sinh hoạt bị xáo trộn, cơ thể thường dễ mệt mỏi, tinh thần uể oải.

Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ công việc và kế hoạch học tập của nhiều người sau kỳ nghỉ, tinh thần sụt giảm, lạm dụng chất kích thích, là yếu tố thúc đẩy chứng trầm cảm, lâu dài dẫn đến các chứng rối loạn tâm thần. Chưa kể, tình trạng cạn kiệt năng lượng sau Tết có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe vốn có.

Chuyên gia khuyên, không nên quá buông thả hoặc tự tạo áp lực cho bản thân trong thời gian này. Ai cũng cần khoảng thời gian để bắt nhịp nếp sống thường ngày sau kỳ nghỉ dài, đặc biệt là những người đi làm xa, rời thành phố để về quê nhà ăn Tết, hoặc du lịch.

Bác sĩ Hồng khuyên, cách hiệu quả nhất là liệt kê danh sách công việc cần ưu tiên, kèm kế hoạch thực hiện chi tiết. Trong đó, ưu tiên những việc đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều năng lượng.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoi-chung-met-moi-sau-ky-nghi-tet-ar924167.html
Zalo