Hội chứng Dressler: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng Dressler là tình trạng viêm màng ngoài tim thứ phát sau tổn thương tim nặng như sau phẫu thuật, chấn thương tim và thường gặp nhất là thứ phát sau nhồi máu cơ tim.

Các tổn thương trên làm phá hủy mô, dẫn tới tích tụ những mảnh vỡ tổ chức và máu trong màng ngoài tim, từ đó kích hoạt phản ứng viêm và đáp ứng miễn dịch tại chỗ và gây nên bệnh cảnh viêm màng ngoài tim.

1. Nguyên nhân gây hội chứng Dressler

NỘI DUNG:::

1. Nguyên nhân gây hội chứng Dressler

2. Triệu chứng hội chứng Dressler

3. Hội chứng Dressler có lây không?

4. Phòng ngừa hội chứng Dressler

5. Điều trị hội chứng Dressler

Hội chứng Dressler - viêm màng ngoài tim thứ phát, thường phát sinh sau tổn thương ở tim hoặc màng ngoài tim, thường là sau nhồi máu cơ tim. Hội chứng này được cho là hậu quả từ phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với sự tiếp xúc giữa hệ miễn dịch và kháng nguyên từ cơ tim hình thành trong quá trình chấn thương tim. Nồng độ kháng thể kháng cơ tim tăng cao thường được tìm thấy ở những bệnh nhân bị hội chứng này, mặc dù vai trò chính xác của chúng vẫn chưa rõ ràng.

Hội chứng Dressler được mô tả lần đầu bởi William Dressler vào năm 1956, với tỷ lệ mắc ước tính từ 3% đến 4% số bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim (MI). Trước khi các kỹ thuật tái tưới máu hiện đại ra đời, ước tính tỷ lệ mắc có thể lên đến 5%.

Trong thực hành lâm sàng hiện đại, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể xuống dưới 1%, với một số nghiên cứu cho thấy nó có thể đã biến mất hoàn toàn. Sự giảm tỷ lệ này là do các chiến lược quản lý bệnh được cải thiện nhằm giảm thiểu tổn thương cơ tim trong nhồi máu cơ tim cấp tính, do đó làm giảm khả năng xảy ra đáp ứng quá mẫn qua trung gian miễn dịch của hội chứng Dressler.

Cơ chế bệnh sinh của hội chứng Dressler cho đến này vẫn chưa hoàn toàn được giải thích rõ ràng, nhưng người ta thấy có nhiều bằng chứng liên quan đến cơ chế tự miễn dịch của cơ thể.

Tùy thuộc vào từng cá thể mà sự tăng nhạy cảm làm phóng thích các tự kháng nguyên được sản xuất từ các tế bào cơ tim hoại tử, từ đó khởi phát các phản ứng của hệ thống miễn dịch.

Như vậy, theo cách giải thích này thì đây là 1 hội chứng bệnh lý do cơ chế tự miễn gây ra.

Do đó, đặc điểm lâm sàng của hội chứng này chính là bệnh cảnh tự miễn với sốt, tăng nồng độ các chất đánh dấu chỉ điểm viêm trong máu (ví dụ CRP) và tăng bạch cầu; hầu hết đều đáp ứng với thuốc kháng viêm, corticoide, colchicine và có khuynh hướng tái phát.

Tuy nhiên, hội chứng Dressler nói riêng và hội chứng sau tổn thương tim nói chung không chỉ xảy ra ở tất cả bệnh nhân tự miễn mà còn ghi nhận ở những trẻ suy giảm miễn dịch sau ghép tim. Tóm lại, viêm màng ngoài tim muộn sau nhồi máu cơ tim là tình trạng của cơ thể đáp ứng tự miễn sau khi mô cơ tim bị phá hủy do nhồi máu cơ tim, sau ngưng tim, sau phẫu thuật hay chấn thương tim.

Hội chứng Dressler là tình trạng viêm màng ngoài tim thứ phát sau tổn thương tim nặng.

Hội chứng Dressler là tình trạng viêm màng ngoài tim thứ phát sau tổn thương tim nặng.

Cả hội chứng Dressler cũng như hội chứng sau tổn thương tim đều đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm, do đó đã củng cố giả thuyết về cơ chế bệnh sinh qua trung gian tự miễn.

2. Triệu chứng hội chứng Dressler

Các triệu chứng đầu tiên của hội chứng Dressler có thể xuất hiện từ hai tuần đến một tháng sau nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu không đặc hiệu có thể là:

Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và yếu cơ.

Sốt cao: Sốt có thể tới 39 – 40 độ từng cơn hay liên tục, có thể giảm sau các đợt tấn công.

Đau ngực: Đau nhiều, cảm giác tức nặng, kéo dài hàng giờ, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi ngồi hoặc cúi ra trước, đau ngực kiểu màng phổi (tăng lên khi hít sâu, sau ho và nuốt). Cảm giác đau xuất phát từ chóp cơ thang, cổ, tay và lưng.

Triệu chứng phổ biến của hội chứng của Dressler là dịch màng ngoài tim. Tiếng cọ màng tim là điểm đặc biệt để củng cố chẩn đoán viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên triệu chứng này sớm mất đi. Không phải mọi bệnh nhân viêm màng ngoài tim đều có tiếng cọ màng ngoài tim. Lượng dịch màng ngoài tim cũng ảnh hưởng đến tiếng cọ màng ngoài tim.

Ho khan, khó thở dốc, ho ra máu.

Kích ứng trên da – phát ban

Do vậy, các triệu chứng dưới đây nên nghi ngờ là biểu hiện của hội chứng Dressler: Mệt mỏi; Suy nhược; Sốt; Đau ngực, có thể trở nên tồi tệ hơn khi thở hoặc nằm xuống, có thể cảm thấy ở ngực, lưng trên hoặc vai trái và có thể trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động; Khó thở hoặc thở gấp (khó thở). Có thể khó thở hơn khi nằm ngửa hoặc nằm xuống; Tim đập nhanh (tachycardia) hoặc đánh trống ngực; Tràn dịch màng ngoài tim (tích tụ dịch giữa màng ngoài tim và tim); Đau khớp; Giảm cảm giác thèm ăn.

3. Hội chứng Dressler có lây không?

Hội chứng dressler liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tổn thương tim không phải bệnh lây nhiễm nên không lây.

4. Phòng ngừa hội chứng Dressler

Dự phòng hội chứng Dressler bằng cách điều trị tốt các bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Tuân thủ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay tự điều trị.

Thay đổi lối sống giúp hạn chế được các bệnh lý tim mạch bao gồm: Cần có chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn, nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày, tương đương với 1 thìa cà phê. Ngoài ra, ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ và tinh bột như lúa mì, yến mạch, hạt ngũ cốc, bột mì... cũng là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ rất tốt.

Bên cạnh đó, cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh, vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo... có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch. Không hút thuốc lá, bao gồm thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ tăng huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng tăng lên và gây bệnh tăng huyết áp. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức.

5. Điều trị hội chứng Dressler

Mục đích là để giảm đau và giảm viêm. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị các loại thuốc, chẳng hạn như: Aspirin là lựa chọn tối ưu trong viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim với liều 650mg/6h ít nhất 4 tuần kèm ức chế bơm proton hoặc kháng acid được cho kèm để bảo vệ dạ dày. NSAID hoặc corticoid nên tránh do làm giảm sự lành sẹo cơ tim và lan rộng ổ nhồi máu. NSAID nên tránh cho BN bệnh mạch vành do làm tăng nguy cơ gây biến cố tim mạch do thuốc. Thuốc chống viêm không Steroid/NSAIDs (Ibuprofen hoặc Naproxen/Naprosyn), Acetaminophen (Tylenol) giúp giảm viêm hoặc giảm đau. Colchicine có thể điều trị từ ban đầu nhưng nó thích hợp hơn trong trường hợp viêm màng ngoài tim mạn tính hay tái phát nếu đơn trị liệu Aspirin không hiệu quả.

Các biến chứng của hội chứng Dressler thường ít đáp ứng điều trị nội khoa. Chúng cần phải có các biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn.

Chọc dịch màng ngoài tim: Nếu có hội chứng chèn ép tim cấp, chỉ định chọc dò là bắt buộc. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và chọc kim xuyên qua da tới khoang màng tim. Chọc dịch màng ngoài tim là thủ thuật khó, cần bác sĩ có kinh nghiệm. Dịch chọc ra còn có thể đem đi xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt bệnh khác.

Cắt bỏ màng ngoài tim: Nếu màng ngoài tim bị viêm làm co thắt cứng lại cản trở hoạt động tim có thể phải cắt bỏ. Phẫu thuật này tiềm ẩn nhiều tai biến do gần rất nhiều cơ quan trong lồng ngực. Cần ekip mổ có tay nghề và phẫu thuật viên kinh nghiệm để thực hiện.

Ngoài ra còn phải điều trị nguyên nhân gây hội chứng Dressler như nhồi máu cơ tim, chấn thương, vết thương tim…

Tóm lại: Hội chứng Dressler là biến chứng sau khi tim bị tổn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể diễn tiến từ từ nhưng khi xảy ra biến chứng sẽ có nguy cơ tử vong cao. Hội chứng Dressler còn làm phức tạp thêm tình trạng bệnh lý của người bệnh. Tuy nhiên nếu được can thiệp kịp thời hội chứng Dressler thường có tiên lượng tốt.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-dressler-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250329095725478.htm
Zalo