Chế độ ăn uống phòng và điều trị hạ đường huyết
Nếu không được xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống khoa học hoàn toàn có thể hỗ trợ phòng và điều trị hạ đường huyết hiệu quả.
Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong phòng và điều trị hạ đường huyết
2. Một số dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể người bị hạ đường huyết
3. Cách ăn uống giúp ổn định lượng đường trong máu
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong phòng và điều trị hạ đường huyết
Đường huyết (hàm lượng đường trong máu) có vai trò cung cấp năng lượng nuôi các tế bào đảm bảo chức năng của hệ thần kinh và não bộ. Khi lượng đường trong máu không ổn định, tăng hay hạ đường huyết đều gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Tình trạng này thường xảy ra ở người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, ngay cả khi không mắc bệnh đái tháo đường, mọi người vẫn có thể bị hạ đường huyết.
Hạ đường huyết không do đái tháo đường đề cập đến tình trạng một người không mắc bệnh đái tháo đường có lượng đường trong máu thấp, giảm xuống dưới 70 miligam mỗi decilit (70mg/dL).
Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm: run rẩy, chóng mặt hoặc mờ mắt, đói hoặc thèm đồ ngọt, khó chịu hoặc thay đổi tâm trạng, nhịp tim nhanh, đau đầu, lo lắng hoặc lú lẫn, tê hoặc lạnh ở tay hoặc chân, buồn ngủ, đổ mồ hôi, khó nói...
Đối với người bị đái tháo đường sử dụng quá liều insulin hoặc thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm quá nhiều dẫn đến hạ đường huyết. Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra nếu người bệnh ăn ít hơn bình thường, hay bỏ bữa, uống rượu, tập thể dục nhiều…
Hạ đường huyết nặng có triệu chứng: nhầm lẫn, có hành vi bất thường hoặc cả hai, mất phối hợp, nói lắp, nhìn mờ… Nặng hơn nữa có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Run rẩy, chóng mặt, đau đầu... là dấu hiệu sớm của hạ đường huyết.
Đối với những người bị hạ đường huyết, chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa sự sụt giảm nguy hiểm của lượng đường trong máu.
Chế độ ăn uống khoa học được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về thời gian, loại thực phẩm và số lượng có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, ngăn chặn các đợt hạ đường huyết xảy ra và cung cấp nguồn năng lượng nhanh chóng khi cần thiết.
Khi có dấu hiệu hạ đường huyết, cần phải xử trí nhanh chóng để cân bằng lượng đường trong máu, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Cách tốt nhất là ăn các thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu để nhanh chóng nâng đường huyết lên.
Theo BSCKII Phạm Tuấn Dương, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện 19-8, lúc này người bệnh cần tìm cách để tăng đường huyết nhanh và an toàn để hạn chế các biến chứng và cải thiện triệu chứng. Cần xử trí hạ đường huyết theo nguyên tắc 15/15 như sau:
Đo đường huyết nếu thấy rơi vào mức dưới 70mg/dL thì nên ăn/uống thực phẩm chứa 15 g carbohydrate. Sau đó đợi khoảng 15 phút và đo lại đường huyết. Lúc này đường huyết vẫn xuống dưới 70mg/dL thì lặp lại quy trình trên cho đến khi đường huyết vượt mức 100mg/dl (5,6 mmol/l). Cần kiểm tra lại đường huyết 1 tiếng sau khi xử trí hạ đường huyết.
Một số loại đồ ăn, thức uống tương đương với 15 g glucose: Khoảng 2-3 viên đường; ½ ly nước trái cây bất kỳ; ½ ly nước ngọt; 1 ly sữa có đường; 5 hoặc 6 viên kẹo; khoảng 15 ml hoặc 1 thìa canh đường/mật ong...
2. Một số dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể người bị hạ đường huyết
Người bị hạ đường huyết cần chú ý đến việc duy trì lượng đường huyết ổn định thông qua chế độ ăn uống, đặc biệt chú ý một số dưỡng chất quan trọng sau:
Carbohydrate phức hợp
Carbohydrate là nguồn cung cấp glucose chính cho cơ thể, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh. Khi bị hạ đường huyết, việc cung cấp nhanh chóng một lượng carbohydrate dễ hấp thụ có thể giúp nâng đường huyết lên mức an toàn.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các loại carbohydrate phức hợp giúp đường huyết tăng từ từ và ổn định hơn, tránh tình trạng đường huyết tăng vọt rồi lại hạ thấp đột ngột.
Các loại carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen), các loại đậu, trái cây... được tiêu hóa chậm hơn, giúp giải phóng glucose vào máu từ từ, tránh gây ra tình trạng tăng đường huyết nhanh và sau đó là hạ đường huyết.
Chất xơ trong carbohydrate phức hợp cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường và tạo cảm giác no lâu hơn.
Protein
Protein ít ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết nhưng lại quan trọng trong việc duy trì cảm giác no, giúp kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ. Ngoài ra, protein còn tham gia vào quá trình sản xuất insulin và các hormone khác liên quan đến điều hòa đường huyết.
Protein khi được tiêu hóa cùng với carbohydrate sẽ làm chậm quá trình hấp thu glucose vào máu. Ăn protein cũng giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn so với carbohydrate hoặc chất béo. Điều này có thể giúp kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ trong các bữa ăn, góp phần duy trì đường huyết ổn định.
Nguồn thực phẩm giàu protein bao gồm: Thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt...
Chất xơ
Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ glucose, giúp ổn định đường huyết sau ăn. Một số nghiên cứu cho thấy chất xơ hòa tan có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, giúp cơ thể sử dụng glucose hiệu quả hơn và giảm nguy cơ hạ đường huyết do kháng insulin.
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Người bệnh nên lưu ý bổ sung chất xơ từ từ để tránh các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu và uống đủ nước để tăng hiệu quả hoạt động của chất xơ.
Chất béo lành mạnh
Tương tự như protein và chất xơ, chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn bao gồm cả carbohydrate. Điều này giúp glucose được giải phóng vào máu từ từ hơn, ngăn ngừa tình trạng tăng và hạ đường huyết đột ngột.
Một số loại chất béo lành mạnh, đặc biệt là chất béo không bão hòa đơn và đa (như omega-3), đã được chứng minh là có thể cải thiện độ nhạy insulin giúp cơ thể sử dụng glucose hiệu quả hơn và có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Nguồn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh tốt cho người bị hạ đường huyết bao gồm: Dầu ô liu, dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó), cá béo (cá hồi, cá thu, cá cơm)...

Carbohydrate phức hợp là dưỡng chất quan trọng cho người bị hạ đường huyết.
3. Cách ăn uống giúp ổn định lượng đường trong máu
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa: Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng vì lượng đường trong máu thường thấp sau một đêm không ăn uống. Cố gắng ăn các bữa chính và bữa phụ với một lượng vừa phải vào những khung giờ cố định mỗi ngày. Điều này giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu bị tăng hoặc giảm quá nhanh.
Kết hợp protein và chất béo lành mạnh: Thêm protein nạc (thịt gà không da, cá, đậu phụ) và chất béo lành mạnh (bơ, dầu ô liu, các loại hạt) vào bữa ăn. Chúng giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate và tăng cảm giác no.
Ăn nhiều rau và trái cây hơn: Rau và trái cây là những thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống giúp ổn định đường huyết nhờ hàm lượng chất xơ cao, chỉ số đường huyết thấp, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Rau và trái cây có hàm lượng calo thấp hỗ trợ quản lý cân nặng, cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết.
Đọc kỹ nhãn thực phẩm: Chú ý đến hàm lượng carbohydrate, đường và chất xơ trong các loại thực phẩm đóng gói.
Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn: Tránh đồ uống có đường, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn và các loại carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, gạo trắng) vì chúng có thể gây tăng đường huyết nhanh chóng.
Lưu ý: Người bị hạ đường huyết nên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn các thực phẩm lành mạnh giúp duy trì đường huyết ổn định. Nên tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn phù hợp nhất.