Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách
Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức Tín dụng tại tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng nay (20/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng, dự án luật mang ý nghĩa chiến lược. Phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước và luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, tạo khung pháp lý đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong giai đoạn tăng tốc của nhiệm kỳ 2021-2025.

Ông Phan Văn Mãi -Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Tăng cường an toàn hệ thống ngân hàng
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo Ủy ban, nợ xấu trong hệ thống tín dụng duy trì ở mức cao, với xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn lên các tổ chức tín dụng, trong khi nhu cầu hỗ trợ thanh khoản nhanh chóng cho các ngân hàng thương mại đòi hỏi giải pháp kịp thời. Năm 2025 được xác định là thời điểm then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng, tạo thế và lực cho các năm tiếp theo, đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ để xoay vòng vốn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp.
Dự án luật được xây dựng nhằm phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước; đồng thời luật hóa các quy định từ Nghị quyết 42/2017/QH14, bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản (đang là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu) của người phải thi hành án, và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng hoặc tang vật vi phạm hành chính.
“Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy các chính sách này phù hợp với chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 và Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025, yêu cầu luật hóa các chính sách đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả và mở rộng phạm vi áp dụng dưới hình thức luật. Văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực vốn, quản trị rủi ro, và xử lý nợ xấu, đồng thời bảo đảm quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh của khu vực tư nhân”, ông Phan Văn Mãi phát biểu.
Về cơ sở pháp lý, Ủy ban cho rằng, dự án luật đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 31/2021/QH15 và Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, cũng như Nghị quyết số 63/2022/QH15, yêu cầu luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Theo Báo cáo số 154/BC-NHNN ngày 16/5/2025 của Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được thực hiện gần bảy năm, chứng minh hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu thông qua các biện pháp như thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần giảm chi phí xử lý nợ và nâng cao an toàn hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực có rủi ro cao, việc phát sinh và xử lý nợ xấu là thường xuyên, đòi hỏi các chính sách được áp dụng ổn định, lâu dài bằng văn bản luật, phù hợp với nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với việc phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt, cho rằng quy định này gắn trách nhiệm quyết định với nhiệm vụ thanh tra, giám sát và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, rút ngắn thời gian xử lý, đảm bảo kịp thời trong các tình huống cần can thiệp để bảo vệ an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Quy định này cũng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và kiến nghị tại Báo cáo thẩm định số 131/BCTĐ-BTP ngày 10/4/2025 của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát các quy định hiện hành, đặc biệt là Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, để đảm bảo tính tương thích, quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm mà không có tài sản bảo đảm, đồng thời bổ sung trình tự, thủ tục phối hợp với các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an để tăng cường kiểm soát, hạn chế rủi ro và đảm bảo ổn định kinh tế, an ninh tiền tệ.

Tiếp tục hoàn thiện quy định để đảm bảo tính khả thi của luật
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức Tín dụng tập trung vào ba nội dung chính: sửa đổi thẩm quyền cho vay đặc biệt; luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm; và quy định về kê biên, hoàn trả tài sản bảo đảm. Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, các quy định này cần thiết để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, giảm chi phí xử lý tài sản bảo đảm, từ đó nâng cao an toàn hệ thống, giảm lãi suất và tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và minh bạch, Ủy ban đưa ra một số đề xuất.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Điều 198a, Ủy ban nhận thấy quy định này cần thiết để khắc phục khó khăn của tổ chức tín dụng khi bên bảo đảm không hợp tác giao tài sản. Quyền thu giữ chỉ được thực hiện nếu hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận, đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát các điều kiện thu giữ, đặc biệt là việc loại bỏ hai điều kiện từ Nghị quyết 42/2017/QH14 liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm và tài sản không tranh chấp để đánh giá rủi ro và tránh khiếu kiện.
Ủy ban cũng đề xuất quy định chi tiết nội hàm tranh chấp và cơ chế xác định tài sản tranh chấp, đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm. Về công khai thông tin thu giữ, Ủy ban đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, và hình thức thông báo, tránh lạm dụng hoặc hiểu nhầm về nghĩa vụ công khai. Đối với ủy quyền thu giữ, Ủy ban đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức được ủy quyền, bổ sung quy định về công khai quy chế thu giữ để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.
Về kê biên tài sản bảo đảm tại Điều 198b, Ủy ban tán thành quy định hạn chế kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trừ các trường hợp hợp đồng bảo đảm ký sau khi bản án có hiệu lực hoặc có sự đồng ý của tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát các trường hợp liên quan đến quyền lợi bên thứ ba, bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng để xử lý số tiền chênh lệch sau khi thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi của bên bảo đảm. Về hoàn trả tài sản bảo đảm tại Điều 198c, Ủy ban ủng hộ quy định hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự hoặc tang vật vi phạm hành chính nếu không ảnh hưởng đến xử lý vụ án, nhưng đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết xung đột lợi ích khi tài sản bảo đảm liên quan đến nhiều bên nhận bảo đảm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp trong quan hệ dân sự.
Để đảm bảo tính khả thi, Ủy ban đề nghị rà soát kỹ lưỡng tác động của các chính sách đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, và hệ thống pháp luật, đánh giá rủi ro về an ninh tài chính, an ninh tiền tệ, và khả năng khiếu kiện. Ủy ban cũng đề xuất nghiên cứu nguồn lực thi hành luật, đảm bảo không làm phát sinh thủ tục hành chính, không ảnh hưởng đến bình đẳng giới hay chính sách dân tộc; đồng thời rà soát ngôn ngữ, thể thức theo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14. Ủy ban Kinh tế và Tài chính khẳng định, Dự án luật là bước tiến quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết của Quốc hội trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng hai con số.