Họa sĩ Lê Trí Dũng:'Tôi mãi là người lính cầm cọ'
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của dân tộc, theo tiếng gọi của non sông, chàng sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Lê Trí Dũng đã 'xếp bút nghiên lên đường ra trận' đúng vào thời điểm chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất.
Ông từng trải qua những ngày tháng khốc liệt tại Quảng Trị, và có mặt trong đội hình Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Họa sĩ Lê Trí Dũng.
Những bức ký họa chiến trường vô giá
Tại phòng sáng tác của họa sĩ Lê Trí Dũng, ở vị trí trang trọng nhất là những kỷ vật thời chiến được sắp đặt một cách đầy ấn tượng: Chiếc mũ sắt lỗ chỗ vết đạn, chiếc bi đông, ca sắt, tăng võng, xanh-tuya-rông (thắt lưng) da, xà cột bằng vải bạt, viên gạch mang về từ Thành cổ Quảng Trị... Tất cả đều là những vật chứng sống động, được ông gìn giữ như một phần ký ức của đời lính, ghi dấu những nơi ông từng chiến đấu hoặc đi qua.
Họa sĩ Lê Trí Dũng kể, thời kỳ mới nhập ngũ, ông là lính bộ binh thuộc Sư đoàn 338 Quân khu Thủ đô, đơn vị có nhiệm vụ tăng cường cho mặt trận phía Nam. Khi đơn vị vào đến bờ bắc sông Thạch Hãn, chiến dịch Quảng Trị bắt đầu diễn ra. Chiến sự ác liệt, quân ta không tránh khỏi tổn thất. Trước tình hình đó, cấp trên có lệnh những chiến sĩ vốn là giảng viên đại học, sinh viên năm cuối... lùi về phía sau để bổ sung cho các quân binh chủng kỹ thuật như Phòng không - Không quân, Tăng - Thiết giáp... Khi đó, Lê Trí Dũng được điều về tiểu đoàn 10 Tăng - Thiết giáp để học lái xe tăng.


Họa sĩ Lê Trí Dũng tại Chiến trường Cửa Việt tháng 3-1973.
Trong một lần tình cờ cấp trên biết Lê Trí Dũng là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Mỹ thuật, thế là ông được điều chuyển làm chiến sĩ tuyên huấn của Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Từ đây, ông vừa làm phóng viên chiến trường, vừa giảng dạy mỹ thuật cho bộ đội, đồng thời phụ trách mở xưởng in lưới để sản xuất tranh cổ động phục vụ tuyên truyền.
Tháng 9-1972, Lê Trí Dũng nhận nhiệm vụ vẽ một bức áp phích khổ lớn (5m x 3m) nhân kỷ niệm 13 năm thành lập Binh chủng, với yêu cầu thể hiện khí thế tấn công và tinh thần hiệp đồng tác chiến. Ông liền thể hiện hình ảnh 3 chiến sĩ, 1 chỉ huy, 1 lái xe, 1 pháo thủ tạo thành nhóm chính, phía sau là các xe tăng hành tiến dưới bóng cờ giải phóng... Bức pa-nô đầu tiên này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với cấp trên và đồng đội.
Ngay sau đó, Lê Trí Dũng tiếp tục được giao in 2.000 tranh cổ động bằng kỹ thuật in lưới, ca ngợi sức mạnh tấn công thần tốc của bộ đội xe tăng. Nhiều tác phẩm trong số đó được cuộn lại, gửi xuống các đơn vị chiến đấu, dán lên tháp pháo, góp sức động viên tinh thần bộ đội đánh thắng quân thù.
Sau đợt in lưới, Lê Trí Dũng nhận một chỉ thị ngắn gọn nhưng đầy tin cậy từ cấp trên: “Cậu theo xe đoàn công tác vào Quảng Trị, tới nơi thì tách ra đi độc lập. Mang theo máy ảnh và mấy cuộn phim, vào chiến trường chụp ảnh, mở lớp dạy vẽ cho bộ đội. Nhớ ký họa nhiều vào nhé, bộ đội rất cần văn nghệ đấy!”.

Ký họa chiến sĩ xe tăng những phút nghỉ ngơi.
Từ đó họa sĩ Lê Trí Dũng đã rong ruổi khắp các mặt trận, ghi lại hàng trăm bức ảnh, vẽ hàng trăm bức ký họa trên đủ mọi chất liệu: Giấy báo, bìa bao bì, sổ tay, mặt sau các trang tài liệu... Chủ đề của ông trải rộng từ những khoảnh khắc chuẩn bị chiến đấu, thu dọn chiến trường, tình quân dân gắn bó, những buổi họp bàn tác chiến, cho đến cảnh băng bó thương binh sau trận đánh.
Vừa chiến đấu, vừa vẽ tranh, họa sĩ Lê Trí Dũng khắc họa lại những nơi ông đã đi qua, những con người ông từng gặp - từ các pháo thủ quả cảm, chiến sĩ công binh, nữ giao liên, đến những binh nhất, binh nhì vừa mới nhập ngũ. Mỗi bức ký họa với ông không chỉ là một tác phẩm mà còn là một kỷ niệm, đôi khi là một nỗi đau nhói buốt - bởi có những bức tranh vừa vẽ xong, vài ngày sau quay lại đã hay tin người đồng đội trong tranh đã hy sinh.

Ký họa bộ đội nuôi lợn trên chốt ở A Lưới.
Ngồi lật giở từng bức ký họa năm xưa, ông chậm rãi giới thiệu, ánh mắt đầy hoài niệm: “Đây là bức vẽ chiến sĩ nuôi lợn trên chốt, thể hiện tinh thần lạc quan giữa gian khó. Chuồng lợn làm bằng thùng đạn gỗ của quân thù, máng lợn được tận dụng từ một quả bom bị cưa đôi theo chiều dọc. Còn đây là tranh chiến sĩ lau pháo cao xạ, có đám xương rồng bên cạnh, người lính phải chui xuống gầm pháo để vệ sinh súng. Bức này ghi lại cảnh cây rừng bị bom đạn kẻ thù tàn phá, nhưng xe tăng ta vẫn hiên ngang tiến qua, thể hiện sự bất khuất, kiên cường của bộ đội ta”.

Ký họa trên đường hành quân.
Ký họa nhiều, nhưng trong lòng người họa sĩ ấy vẫn nung nấu ước muốn vẽ nên một tác phẩm lớn, thể hiện rõ tinh thần anh hùng của Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Một ngày, khi hành quân qua nơi vừa trải qua trận bom ác liệt, ông bỗng gai người khi nhìn thấy hình ảnh một chiếc xe tăng đột ngột chồm qua khúc ngoặt dưới ráng chiều đỏ rực của hoàng hôn. Chiếc xe tăng như con mãnh hổ, ngụy trang bay phần phật, xích xe cày nát mặt đường, nòng pháo kiêu hùng quay theo vách đá nham nhở, ông vội phác thảo nhanh hình ảnh này bên khói bom và cây rừng cháy dở, cùng với đó là hình ảnh những cô thanh niên xung phong cổ quấn khăn dù bên những cây cổ thụ như muốn bay ra khỏi bờ vực...
“Khoảnh khắc đó đã ghi dấu để tôi vẽ bức tranh sơn mài “Vượt trọng điểm” nổi tiếng, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” - họa sĩ Lê Trí Dũng tâm sự.

Bức tranh "Vượt trọng điểm" (sơn mài) của họa sĩ Lê Trí Dũng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tự hào về một thời hoa lửa
Tháng 4-1975, Lê Trí Dũng nhận lệnh của Binh chủng Tăng - Thiết giáp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi ông có mặt tại Sài Gòn vào chiều 30-4-1975, thành phố đã hoàn toàn được giải phóng. Bức ký họa “Cuộc tháo chạy tháng Tư” được Lê Trí Dũng vẽ trong khoảnh khắc lịch sử đó đã trở thành kỷ niệm vô giá.
Trong thời gian lưu lại Sài Gòn, họa sĩ được giao nhiệm vụ đặc biệt: Vẽ tranh và chụp ảnh tư liệu về hiện trường tại Dinh Độc Lập - nơi những chiếc xe tăng của Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã tiến vào, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với ông, nhiệm vụ này mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, bởi chính Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203 - đơn vị của ông - là lực lượng đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập, góp phần đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh dài đằng đẵng và gian khổ của dân tộc.
Sau khi buông súng trở về đời thường, Lê Trí Dũng trở thành một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Hai đề tài gắn bó sâu sắc với ông là chiến tranh và ngựa - cũng là hai mảng sáng tác lớn mà ông dành trọn đời để theo đuổi.

Ký họa “Cuộc tháo chạy tháng Tư”
Những bức ký họa chiến trường từng vẽ giữa bom đạn đã trở thành các phẩm hội họa nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ngoài tác phẩm “Vượt trọng điểm” (sơn mài, 1974), các tác phẩm “Vượt sông” (sơn mài, 1976), “Cánh rừng dioxin” (lụa, 1989), “Mẹ của những người lính” (sơn dầu, 1999), “Biên ải” (tác phẩm được Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000), “Chân dung người lính” (sơn dầu, 2004), “Hậu chiến” (2005, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Phía sau trận đánh” (giải C Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2009)... đều phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh và lòng dũng cảm của những người lính. Ông còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế lớn về đề tài chiến tranh như triển lãm “Cái nhìn từ hai phía” (Boston, Mỹ), triển lãm “Nam Bang” (Sydney, Australia). Năm 1992, ông được Hội Cựu chiến binh Mỹ mời sang Hoa Kỳ tham gia triển lãm và đã gây ấn tượng sâu sắc với loạt tác phẩm về đề tài chất độc da cam.
Sau này, ngoài đề tài chiến tranh và ngựa, họa sĩ Lê Trí Dũng còn nổi tiếng với tranh con giáp, hoa sen, và các nhân vật trong “Truyện Kiều”. Và dù với mảng đề tài nào, Lê Trí Dũng vẫn luôn vẽ bằng cảm xúc tự hào, với sự say mê và quyết liệt của một người lính từng trải qua chiến tranh.
50 năm sau sự kiện thống nhất đất nước, nhớ lại từng trận đánh, ông không khỏi rưng rưng khi nghĩ đến sự hy sinh của đồng đội ngay trước thời khắc hòa bình. Ông cảm thấy mãn nguyện vì đã được sống và chiến đấu trong một thời oanh liệt, rồi sau đó trở về để tiếp tục làm nghề. “Tôi mãi là một người lính cầm cọ!” - họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ, ánh mắt long lanh niềm tự hào.