Hỗ trợ, tạo động lực giúp doanh nghiệp ở Nghệ An phát triển
Nghệ An đang từng bước đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế.
Khó khăn “bủa vây”, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động
Theo thống kê, đến cuối 2024 tỉnh Nghệ An có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng số doanh nghiệp hoạt động chính thức chỉ trên 16.000 doanh nghiệp.
Điều đáng nói, số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động trong năm 2024 là 1.785 đơn vị; trong đó có 302 doanh nghiệp giải thể và 1.483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6% so với năm 2023. Trong khi đó, chỉ có 715 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An gặp khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu, thiếu hụt nguồn cung.
Bước sang năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như: chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái…
Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2025 ước tính giảm 3,32% so với tháng trước, tuy nhiên lại tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh một số doanh nghiệp, nhà máy tăng sản xuất do có đơn hàng xuất khẩu, thì nhiều đơn vị gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước nên sản phẩm sản xuất thấp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Nghệ An rơi vào tình trạng khó khăn hơn do còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước kéo dài.
Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng là do tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường.
"Qua khảo sát, đa số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp trong nhiều năm và đang trong quá trình cơ cấu lại", ông Quang nhấn mạnh.
Gỡ khó giúp doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, chuẩn bị tiền đề cho kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 của nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, cùng cả nước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu của tỉnh Nghệ An là “tăng tốc, bứt phá” thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ở mức cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5 - 10,5%, bình quân thu nhập đầu người từ 71 - 72 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD…

Nghệ An đặt mục tiêu năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5 - 10,5%, bình quân thu nhập đầu người từ 71 - 72 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD…
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ngay từ đầu năm đã yêu cầu triển khai ngay các giải pháp, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển không dưới 10% theo như tinh thần chỉ đạo của Trung ương là tăng tốc, bứt phá.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án mục tiêu tăng trưởng của từng lĩnh vực. Đặc biệt, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó mới tạo ra được tăng trưởng trên cơ sở những giải pháp cụ thể trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Đồng thời, xây dựng và ban hành các chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển; khuyến khích việc nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến chế tạo, nhất là dự án qui mô lớn.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu công nghiệp, trong Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1), Khu công nghiệp Hoàng Mai II, Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 2 Nghệ An, tăng cường thu hút các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Tập trung hỗ trợ đẩy mạnh tiến độ, sớm đưa các dự án đầu tư đã đăng ký, nhất là các dự án FDI trong khu kinh tế và các khu công nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2025 như: Dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang Học Vinh; nhà máy sản xuất Technology Xinfeng Việt Nam; Nhà máy sản xuất Gaofia Optics Technology Việt Nam; All Top Industrial sản xuất linh kiện điện tử, Dự án Luxshare-ICT2; nhà máy Luxvisions Innovation Nghệ An, sản xuất điện tử TopGoal Việt Nam… Các nhà máy điện như: Châu Thôn, Bản Mồng, Suối Choang với tổng công suất 78,8MW.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng qui mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, lồng ghép các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền công nghệ, cơ cấu sản phẩm, đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh doanh thấp. Tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp mạnh trong ngành xây dựng, bảo đảm thực hiện các dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

Nghệ An sẽ tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, vừa tạo ra chuỗi giá trị và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Phát triển nhanh khu vực dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng dịch vụ. Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại địa phương. Tiếp tục triển khai thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác hiệu quả xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt. Theo sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết. Mục tiêu doanh thu từ dịch vụ từ 52.502 đến 53.082 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Đề án phát triển xuất khẩu Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Mở rộng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để vượt qua rào cản thương mại. Chú trọng nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, bao bì…
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, từng bước tạo dựng hình ảnh và thị phần hàng hóa Nghệ An. Phấn đấu năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4.500 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 4.000 triệu USD.
Phát triển các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt, hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, triển khai thực hiện Đề án phát triển tỉnh Nghệ An thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
“Phải rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, chủ động chủ động gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp”, ông Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.