Bình Định: Tập trung rà soát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quán triệt phương châm hành động của Chính phủ 'Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá' và xác định phương châm hành động năm 2025 của tỉnh là 'Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá'.

Bình Định phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh năm 2025 từ 8,5-9%. Ảnh: ST
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định tăng trưởng khá, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng đã chuyển biến tích cực qua từng tháng, từng quý. GRDP (theo giá so sánh 2010) của tỉnh tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước, đứng vị thứ 26/63 địa phương trong cả nước, 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, 2/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Bình quân 4 năm 2021-2024, GRDP tăng 6,6%/năm.
Quy mô kinh tế của tỉnh đạt 130.799,7 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 14.384,7 tỷ đồng (đã trừ hoàn thuế GTGT), tăng 34,8% so cùng kỳ năm 2023...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 20/02/2025 triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
UBND tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương để kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình triển khai; tổ chức Hội nghị UBND tỉnh thường kỳ hằng tháng để đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh năm 2025 từ 8,5-9%, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành để phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp đột phá với tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả” nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tạo dư địa cho bước “chuyển mình” của tỉnh Bình Định trong giai đoạn tới theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thiết thực và toàn diện để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thể hiện trách nhiệm nêu gương, vai trò dẫn dắt, năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; làm việc cụ thể, thực chất, chủ động theo sát cơ sở; ưu tiên dành thời gian tập trung nghiên cứu đổi mới, đề xuất ý tưởng sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội và tập trung giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung, khẩn trương rà soát, kịp thời triển khai Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, với phương châm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Tiếp tục đổi mới tư duy của hệ thống chính quyền và chuyển đổi thật sự từ tư duy “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật./.