Chuẩn bị xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành các bước xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025.

Bộ LĐ-TB&XH vừa yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước thực hiện rà soát việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2024. Thêm vào đó, các địa phương cũng cần đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành.

Trường hợp các tỉnh, thành có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương phải phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, chi nhánh Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh và khu vực, các hiệp hội nghề nghiệp, nhà đầu tư… Sau đó, gửi ý kiến về UBND tỉnh để chuyển về bộ xem xét.

 Lần tăng lương tối thiểu vùng gần nhất là vào tháng 7-2024. Ảnh: CTV

Lần tăng lương tối thiểu vùng gần nhất là vào tháng 7-2024. Ảnh: CTV

Các công việc trên được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhằm chuẩn bị cho phương án đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2025 trong thời gian tới, theo quy định của điều 91 Bộ luật Lao động.

Liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết theo thường lệ, cơ quan này sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm tháng 3 hằng năm, sau khi đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, năm 2025, các bộ, ngành đang tập trung cao độ cho việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Do đó, sau khi các cơ quan hoàn thành xong việc hợp nhất, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ chính thức đề xuất mức lương tối thiểu vùng.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực tiền lương, việc tăng lương tối thiểu vùng phải căn cứ vào các yếu tố sau: “sức khỏe” của doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội và biến động thị trường thế giới.

“Tất nhiên ở góc độ người lao động bao giờ họ muốn tăng lương, tuy nhiên phải hài hòa lợi ích, xem xét kỹ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhất là các công ty thâm dụng lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ” - vị chuyên gia này cho hay.

Thực tế, mỗi năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia do Bộ LĐ-TB&XH làm chủ tịch, đều nhóm họp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động theo quy định của pháp luật.

Lần gần nhất, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024. Theo đó, ngày từ 1-7-2024, lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% so với mức năm 2023.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: Vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2024, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng mỗi tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng mỗi tháng).

Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trả mức lương 10,91 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Đề xuất tăng lương để đạt "lương đủ sống tổi thiểu"

Tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua, khi bàn về mục tiêu kinh tế năm 2025, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) đề nghị trong giai đoạn từ nay đến 2030, Việt Nam cần tăng lương dần để đạt mức "lương đủ sống tối thiểu". Nếu chưa đạt vào năm 2030 thì chậm nhất đến 2035, nhưng trong vòng 10 năm tới, việc này phải hoàn thành.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuan-bi-xem-xet-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-post835417.html
Zalo