Hỗ trợ lao động mất việc

Theo Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), quý I/2023, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp, 150 nghìn lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc. Theo phân tích số lao động bị giãn việc giảm, nhưng số mất việc lại tăng, tập trung nhiều ở địa phương trọng điểm công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Trước thực trạng này, Chính phủ vừa yêu cầu sớm có giải pháp hỗ trợ lao động mất việc làm.

Sản xuất tại Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam (Thanh Hóa). Ảnh: Hương Thơm.

Sản xuất tại Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam (Thanh Hóa). Ảnh: Hương Thơm.

Dễ nhận thấy, dệt may là một trong những ngành đang khan hiếm đơn hàng khiến tình trạng mất việc, giãn việc tại lĩnh vực ngày ở mức cao. Đơn cử, tại Thanh Hóa, những tháng vừa qua chỉ có ít doanh nghiệp (DN) của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh bảo đảm đơn hàng, còn lại đa số thiếu hụt từ 30 - 70%, khiến DN may mặc khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động. Đơn cử, từ đầu năm 2023 đến nay Công ty TNHH IVORY Việt Nam tại thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc không thể bảo đảm việc làm cho hàng nghìn công nhân vì thiếu đơn hàng. Theo chị Hoàng Thị Phượng, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, từ đầu năm đến nay, chị và hàng nghìn công nhân khác trong phân xưởng luôn phải cắt giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thu nhập vì thế giảm chỉ còn 50% so với những năm trước do công ty bị sụt giảm khoảng 50% đơn hàng.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty CP gỗ Lâm Việt (Bình Dương) thông tin, dù đã vào giữa quý II nhưng số lượng đơn hàng vẫn rất khan hiếm, chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhà máy phải hoạt động đạt ít nhất 70% công suất thiết kế thì doanh nghiệp mới hòa vốn và giữ được việc làm cho người lao động. Nhiều DN sau thời gian cắt giảm giờ làm, không tăng ca vẫn không thể gồng được chi phí buộc phải cắt giảm dần nhân công, chờ tín hiệu đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, làn sóng sa thải nhân viên địa ốc cũng tiếp tục kéo dài khi thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi. Hàng loạt DN BĐS lớn cắt giảm lao động ở nhiều vị trí, từ môi giới kinh doanh, truyền thông cho đến cả công nghệ thông tin. Tại Vinhomes, hơn 1.500 nhân sự bị cắt giảm. Đất Xanh giảm 1.384 lao động, Phát Đạt giảm 111 nhân sự...

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong quý I/2023 đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động kéo theo hàng nghìn lao động mất việc. Thực tế, một số DN quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực để cầm cự. Ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Trước thực tế một số DN bị cắt giảm đơn hàng phải giảm việc, cắt lao động, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng giao Bộ LĐTBXH nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền. Bộ LĐTBXH cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian tới.

Về phía địa phương, với nghành dệt may, ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho hay: Để phát triển bền vững ngành may mặc giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã định hướng các dự án may mặc, da giày cần được thu hút đầu tư có chọn lọc. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ hạn chế và dừng thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, da giày, khuyến khích các DN may mặc, da giày đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý để nâng cao công suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm. Sở mong muốn DN may mặc tiếp tục theo dõi, bám sát thị trường, xây dựng phương án, chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Ngoài hỗ trợ của địa phương, các DN cũng phải chủ động thích ứng để duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Trước mắt, DN nên ưu tiên cơ cấu lại tài chính, điều chỉnh phương án kinh doanh, thậm chí chấp nhận chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để tồn tại.

Mới đây, Sở LĐTBXH TPHCM đã rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động - việc làm tại 3.795 DN. “Kết quả cho thấy, cần chú ý đảm bảo việc làm cho người lao động tại các DN nhưng chưa đến mức bi quan”, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM nhận định và cho hay, thành phố đang tập trung thực hiện chính sách để hỗ trợ người lao động bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống khi bị mất việc.

Về giải pháp ổn định thị trường lao động thời gian tới, Bộ LĐTBXH hiện đang tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm; đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động bị mất việc, thiếu việc, hỗ trợ DN bị thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả công cụ bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ lao động mất việc làm.

PHƯƠNG CHI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ho-tro-lao-dong-mat-viec-5717786.html
Zalo