Hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, lấy sâm Ngọc Linh là cây chủ lực
Trong bức tranh phát triển dược liệu tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, việc phê duyệt Đề án phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực mới là điểm khởi đầu, chưa phải đích đến cuối cùng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Sáng 10/5, Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.
Đề án là tiền đề để Quảng Nam vươn mình trở thành trung tâm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu mà chủ lực là sâm Ngọc Linh, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng phía tây của tỉnh.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, hội nghị hôm nay là bước khởi đầu và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu Việt Nam, với tỉnh Quảng Nam là trung tâm và sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Theo Phó Thủ tướng, dược liệu là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người.
Với nguồn tài nguyên và hệ động thực vật phong phú đa dạng trải dài khắp cả nước, Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng chữa bệnh.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, xác định dược liệu là lĩnh vực có tiềm năng lớn, không chỉ góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế nông nghiệp.
Những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu đã được ban hành. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" mới là điểm khởi đầu, chứ chưa phải đích đến cuối cùng. "Còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới và chúng ta phải tổ chức thực hiện tốt", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh các thế mạnh chung của Việt Nam, Quảng Nam còn có thế mạnh riêng, với đa dạng loài, họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Quảng Nam được mệnh danh là "Thủ phủ sâm Ngọc Linh" với trên 15.000 ha được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh; có đặc điểm, điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu quý, trong đó có sâm Ngọc Linh.
Do đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Đề án này chứa nhiều kỳ vọng, với nhiều mục tiêu phấn đấu, góp phần phát triển ngành dược liệu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP
Đề án xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Thể chế chính sách; quy hoạch phát triển; xây dựng và phát triển vùng trồng; thu hút đầu tư; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; thông tin, tuyên truyền, quảng bá. Đề án cũng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, cơ quan và địa phương.
Để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, về cơ chế, chính sách, xuất phát đầu tiên phải từ Quảng Nam và các địa phương lân cận có điểm mạnh về trồng, chế biến, thương mại hóa sâm Ngọc Linh; phải chủ động rà soát, xem còn cần chính sách nào khi mà ngành dược liệu, chuỗi sản phẩm sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển.
"Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, cùng các bên xem còn cơ chế, chính sách nào đặc thù hơn nữa", Phó Thủ tướng nêu rõ và cũng cho rằng, đây là câu chuyện nhìn xa, làm lớn chứ không phải câu chuyện của một địa phương.
Trong thẩm quyền của mình, Quảng Nam cùng các địa phương trong vùng sớm hoàn thiện, công bố các quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng.
UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp liên kết, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu, các sản phẩm dược liệu.
Các địa phương quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm dược liệu, bởi trung tâm dược liệu cần được hiểu là một khu vực, một vùng, chứ không phải là một thiết chế.
Các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác, các nguồn lực tài chính, con người… để xúc tiến, thu hút đầu tư; ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất dược liệu. Đồng thời, các bên chú trọng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình trồng, khai thác, chế biến dược liệu.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng: "Với khí thế quyết tâm và nỗ lực của tất cả chúng ta, với các thỏa thuận đã ký kết, đồng hành của Chính phủ, biến Đề án thành hiện thực, đóng góp quan trọng đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước".
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác và thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư tại Quảng Nam.