Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở Quảng Nam
Những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai hiệu quả chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Động lực từ những mô hình hiệu quả
Xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng để hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình này. Đơn vị cũng chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội ở các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm, chuyển tải nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Đến nay, tại Quảng Nam, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục nhờ vốn vay ngân hàng… Điều này không chỉ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà còn giảm tỷ lệ thất nghiệp và hỗ trợ địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bá Trinh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình cho biết: “Thời gian qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ gia đình có thêm vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.”
Tại Thăng Bình, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất thạch cao, gốm sứ, heo đất… của anh Nguyễn Ngọc Hưng ở xã Bình Trị. Anh Hưng kể rằng từ năm 2019, anh đã ra làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) học nghề làm gốm sứ. Sau khi học xong và bắt tay vào lập nghiệp, anh gặp khó khăn vì thiếu vốn. Rất may, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình cho vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm.
Nhờ nguồn vốn và kiến thức học được, anh Hưng đã đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm gốm sứ. Đến nay, cơ sở của gia đình anh giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của cơ sở đã xuất đi nhiều địa phương trên cả nước, mang lại doanh thu gần 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh trở nên ổn định hơn rất nhiều.
Cũng tại Thăng Bình, gia đình ông Trần Huy ở xã Bình Định Bắc đã tận dụng nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất bột ngũ cốc và các sản phẩm từ nông sản mang thương hiệu “Cô Một” - một cái tên quen thuộc tại địa phương. Ông Trần Huy chia sẻ, nguồn vốn đã giúp gia đình mua thêm nguyên liệu, phát triển các sản phẩm như bột ngũ cốc, trà gừng… được chế biến từ nguồn nông sản hữu cơ tại địa phương. Hiện tại, một số sản phẩm của cơ sở đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Tiếp sức cho lao động và phát triển kinh tế
Tại thị xã Điện Bàn, nguồn vốn vay giải quyết việc làm cũng đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo “cú hích” quan trọng giúp người dân địa phương có thêm cơ hội việc làm.
Điển hình là mô hình trồng hoa súng kết hợp chăn nuôi của anh Võ Viết Tú ở xã Điện Phong. Trước đây, công việc của anh Tú không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến anh phải ra Đà Nẵng làm thuê. Sau khi tìm hiểu mô hình trồng hoa súng, anh Tú đã được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn hỗ trợ vay 100 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn, anh Tú quyết tâm thực hiện mô hình này và đến nay đã sở hữu hơn 2.500m² trồng hoa súng. Ngoài tiêu thụ trong nước, hoa súng từ cơ sở của anh còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Ấn Độ…, mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Phong đánh giá: “Mô hình trồng hoa súng của anh Võ Viết Tú không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường cho địa phương”.
Trong 11 tháng năm 2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn Quảng Nam đạt 8.008 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm, với tốc độ tăng trưởng 8,6%. Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Quảng Nam, nguồn vốn này đã giúp tạo việc làm cho gần 11.000 lao động, hỗ trợ hơn 2.200 học sinh, sinh viên vay vốn học tập, và cải tạo hơn 24.000 công trình nước sạch, vệ sinh. Hoạt động tín dụng chính sách tại Quảng Nam được triển khai đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả, với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,05%..., góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam.